Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Tại Điều 3 dự thảo, nhiều ý kiến Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị tập trung vào các nội dung như: Thống nhất quản lý về tài nguyên nước và có sự phân công, phân cấp; gắn bảo đảm an ninh nguồn nước với an ninh, chủ quyền quốc gia; quản lý tài nguyên nước tổng hợp, thống nhất theo lưu vực sông; điều hoà, phân phối hiệu quả tài nguyên nước.
Tiếp thu các ý kiến trên, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng ngắn gọn, làm nổi bật những nguyên tắc chung, ưu tiên trong quản lý tài nguyên nước, tách bạch trách nhiệm quản lý nguồn nước và quản lý về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước.
Có ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ nguyên tắc bảo đảm an ninh nguồn nước. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung nội dung bảo đảm an ninh nguồn nước vào nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra tại Khoản 1 Điều 3.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, dự thảo Luật đã quy định rõ căn cứ, nguyên tắc, giải pháp, kịch bản, phương án điều hòa phân phối tài nguyên nước và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương có liên quan, được thể hiện tại Điều 35 của dự thảo Luật.
Đồng thời, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước khi xảy ra hạn hán, thiếu nước tại khoản 1 Điều 36; trách nhiệm của Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, các bộ có liên quan và UBND cấp tỉnh trong thực hiện điều tiết nguồn nước, quyết định việc hạn chế phân phối, sử dụng nước; quyết định việc sử dụng các nguồn nước hiện có trên địa bàn; chỉ đạo huy động nguồn nước trong phạm vi quản lý để chủ động khắc phục tình trạng thiếu nước, bảo đảm nước cho sinh hoạt và các nhu cầu thiết yếu khác tại Khoản 2 Điều 36.
Dự thảo Luật cũng đã bổ sung nguyên tắc cấp phép như: Bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan trong khai thác nước; không gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước khi thực hiện việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước… tại Điều 55.
Bên cạnh đó, chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định hoạt động khai thác nước dưới đất quy mô hộ gia đình để sử dụng cho mục đích sinh hoạt thuộc đối tượng phải thực hiện kê khai như quy định tại Khoản 2 Điều 52 nhằm quản lý chặt chẻ việc khai thác nước dưới đất, bảo vệ nước dưới đất và phòng, chống tác hại do việc khai thác nước dưới đất không kiểm soát gây ra và giao Chính phủ quy định chi tiết tại Khoản 9 Điều 52.
Đồng thời, khoản 3 Điều 85 dự thảo Luật cũng quy định thời điểm có hiệu lực của quy định này từ ngày 01/7/2026, tức là 02 năm sau khi Luật có hiệu lực thi hành để bảo đảm tính khả thi. Chính phủ cũng đồng thuận về quan điểm chính sách với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cũng đã bổ sung báo cáo đánh giá tác động về nội dung này kèm theo Báo cáo số 576/BC-CP.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, trên nguyên tắc phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường, an ninh nguồn nước và ngược lại bảo đảm an ninh nguồn nước không kìm hãm phát triển kinh tế, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 59 quy định về sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước, thể hiện ở 03 mức độ áp dụng để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ta.
Dự thảo Luật cũng đã quy định cụ thể hóa nội dung kinh tế nước tại Chương VI về công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước và quy định một trong những nguyên tắc quản lý tài nguyên nước tại khoản 6 Điều 3 về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; Điều 70 quy định về dịch vụ về tài nguyên nước, Điều 71 quy định về hạch toán tài nguyên nước và Điều 74 về xã hội hóa đầu tư phát triển, tích trữ.
Cùng với đó, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bổ sung quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ và các Bộ: TN&MT, NN&PTNT, Công Thương, Xây dựng để tránh chồng chéo về chức năng và phạm vi quản lý giữa các Bộ có liên quan như: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao trong quản lý khai thác, sử dụng nước và thể hiện như Điều 79 dự thảo Luật.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu) đánh giá hồ sơ dự án luật được chuẩn bị đầy đủ nhiều thông tin, tạo điều kiện cho các cho đại biểu nghiên cứu phát biểu góp ý.
Góp ý đối với quy định về kê khai đăng kí cấp phép tài nguyên nước, đại biểu bày tỏ hoàn toàn thống nhất với quy định về việc kê khai đăng ký, cấp phép tài nguyên nước được quy định tại dự thảo Luật. Đại biểu cho biết, công tác cấp phép tài nguyên nước đã được triển khai thực hiện khá hiệu quả trong thời gian qua. Việc cấp phép tài nguyên nước là một trong các biện pháp để quản lý, kiểm soát được hoạt động khai thác nước của tổ chức, cá nhân.
Từ đó đánh giá được nhu cầu khai thác, sử dụng nước để có các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên nước phù hợp. Đồng thời, việc cấp phép tài nguyên nước và thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cũng góp phần nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên nước. Trong bối cảnh nguồn nước có nguy cơ ngày càng thiếu hụt không đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội thì việc bổ sung đối tượng phải kê khai, đăng ký về tài nguyên nước là phù họp.
Ngoài ra, dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi lần này đã giải quyết cơ bản vấn đề giao thoa, chồng chéo, tách bạch giữa quản lý tổng hợp, thống nhất về tài nguyên nước với quản lý vận hành công trình khai thác, sử dụng nước như công trình thủy lợi, thủy điện cấp nước, đô thị, nông thôn, cấp nước, công nghiệp, dịch vụ giao thông thủy.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong quản lý tài nguyên nước. Ban soạn thảo cần xác định rõ mục tiêu môi trường và xác định chất lượng nguồn nước; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý chất lượng nguồn nước…
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cũng đề nghị bổ sung quy định về chức năng ban hành tiêu chuẩn chất lượng và chất lượng nguồn nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào dự thảo luật. Trong trường hợp tiêu chuẩn chất lượng của nước liên quan đến hoạt động thuộc quyền quản lý của cơ quan khác, cần quy định sự phối hợp giữa các cơ quan, cũng như chỉ ra cơ quan chủ quản quản lý để tránh chồng chéo về mặt thẩm quyền.
Đại biểu lấy ví dụ tại điểm 3 Điều 43 chưa phân định rõ thẩm quyền của hai cơ quan là Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cũng như chưa rõ về cơ chế phối hợp để rà soát và việc khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt. Do đó, đại biểu đề nghị cần tách riêng thẩm quyền của hai cơ quan để tránh chồng chéo trong quản lý.
Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện dự thảo luật. Đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu, xem xét, bổ sung nội dung quy định về thời điểm lập hồ sơ khai thác, sử dụng tài nguyên nước so với thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và các thủ tục pháp lý khác có liên quan.
Đại biểu cũng cho rằng, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bổ sung vào các điều khoản trong dự thảo luật để thể hiện rõ nét hơn chủ trương kinh tế hóa việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, bám sát cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bổ sung đầy đủ đánh giá tác động đối với các chính sách mới và phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta hiện nay./.
Lê Sơn