Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 25/6, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị "Phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa".
Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết theo số liệu thống kê năm 2021, trong 13 hồ chứa có diện tích trên 5.000 ha gồm các hồ như Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Na Hang, Trị An... là nhóm có tiềm năng nuôi trồng thủy sản cao và có khả năng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định cho người nuôi, có thể đảm bảo lợi ích lâu dài và một nghề cá có trách nhiệm cam kết với cộng đồng.
Nuôi cá hồ chứa ở Việt Nam có nhiều thuận lợi khi cả nước có 6.695 hồ chứa dung tích trên 796.140m3 là tiềm năng lớn để phát triển nuôi thủy sản. Hiện nay, nghề nuôi cá lồng bè đang được phát triển. Một số tỉnh có sản lượng nuôi lớn đang xây dựng thương hiệu, hình thành chuỗi cửa hàng tại các thành phố lớn để quảng bá và nâng cao giá trị sản phẩm như: Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang...
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, nghề nuôi cá hồ chứa tiếp tục phát triển từ việc nuôi các loài cá truyền thống như: Mè, trôi, chép, rô phi, trắm cỏ, bỗng tượng… và mở rộng ra các loài có giá trị kinh tế cao như: Cá tầm, lăng, chiên, nheo mỹ, lóc, thát lát...
Đặc biệt những năm gần đây, cá tầm được nuôi nhiều ở khu vực nước mát có nhiệt độ từ 18 - 27 độ C, chủ yếu tại Tây Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Tuy nhiên ông Luân cũng nêu thực tế số lượng hồ chứa nước rất lớn nhưng hiện các địa phương chỉ khai thác được phần nhỏ diện tích hồ cho nuôi trồng thuỷ sản. Số hồ chứa được cấp phép nuôi trồng thủy sản không nhiều. Ví dụ như Đắk Lắk, chỉ có 61/597 hồ chứa thủy lợi được cấp phép để nuôi thủy sản. Một số hồ chứa nước có nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt cho khu vực dân cư nên hạn chế phát triển nuôi trồng thủy sản trong hồ".
Ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, Hòa Bình đang là tỉnh nuôi cá lồng bè trên hồ chứa lớn nhất cả nước với 4.750 lồng, sản lượng đạt 5.594 tấn, chiếm 77% giá trị sản xuất thủy sản của tỉnh. Phát triển nuôi cá vùng hồ đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 5.000 lao động.
Những năm qua, Hòa Bình tận dựng được nguồn nước hạ lưu hồ thủy điện, thủy lợi, đa dạng cây trồng, vật nuôi, thủy sản, bảo tồn nguồn gen, các loài thủy sản quý hiếm, tận dụng ao hồ nuôi các loài thủy sản truyền thống, tạo sản phẩm thủy sản tại chỗ, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, việc đầu tư phát triển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cần phù hợp với tiềm năng mặt nước của tỉnh, kết hợp nuôi trồng thủy sản với khai thác hợp lý, bền vững, góp phần bảo tồn, duy trì nguồn lợi thủy sản, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và an toàn hồ đập.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết tới đây Bộ NN&PTNT sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện các quy định, cơ chế chính sách để phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa cho phù hợp với nhu cầu phát triển...
Ông Phùng Đức Tiến cũng đề nghị các địa phương điều tra, khảo sát đánh giá tiềm năng nuôi trồng thủy sản và quy hoạch phát triển nuôi cá hồ chứa phù hợp với từng vùng sinh thái. Xây dựng các cơ chế chính sách thu hút, tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống, nuôi thương phẩm, chế biến và tiêu thụ cho nghề nuôi cá hồ chứa.
Đỗ Hương