Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Đức Chi cho biết như trên tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, chiều 21/9.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Đức Chi đưa ra 3 nội dung chính cần bàn luận:
Thứ nhất, các ngân hàng thương mại kiến nghị Thủ tướng, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán ổn định, đặc biệt là hướng tới mục tiêu nâng hạng trong thời gian tới, trên cơ sở đó các doanh nghiệp, đặc biệt là các ngân hàng thương mại có môi trường tốt để triển khai hoạt động của mình trên thị trường vốn, thị trường chứng khoán ở thứ hạng cao.
Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Đức Chi cho biết, đối với nội dung này, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rất cụ thể, Chính phủ cũng đã có nghị quyết cho nhiệm vụ này. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính đã thực hiện nghiêm các giải pháp để hướng tới giữ cho thị trường vốn, thị trường chứng khoán ổn định và phát triển bền vững.
Mới đây, Bộ Tài chính đã có quy định mới để giải quyết vấn đề vướng mắc trong việc cơ quan xếp hạng quốc tế xem xét cho ngân hàng thị trường chứng khoán. Đây mới chỉ là bước đầu tiên, còn nhiều công việc, nhiệm vụ khác Bộ Tài chính đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Bộ Tài chính cũng đã có kế hoạch để thông báo tới các bộ ngành, các doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại để cùng tham gia với tinh thần trách nhiệm cao, cùng hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025.
Thứ hai, lãnh đạo các ngân hàng đã có kiến nghị với Thủ tướng tiếp tục các chính sách tài khóa để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới. Đối với kiến nghị này, Bộ Tài chính ghi nhận và sẽ nghiên cứu, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.
Thứ ba, đối với nội dung liên quan đến thuế VAT và dịch vụ thư tín dụng LC, các cơ quan đều thống nhất nộp theo quy định của pháp luật. Còn vấn đề về tiền chậm nộp, theo Thứ trường Nguyễn Đức Chi, nên đề xuất với cấp có thẩm quyền xử lý, không tính chậm nộp của khoản này nữa.
Trong quy định của luật xử phạt vi phàm hành chính và luật thuế hiện không giao thẩm quyền này cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hay Bộ Tài chính, vì vậy để gỡ vướng, mới đây Bộ Tài chính đã có báo cáo và mong muốn tìm ra giải pháp sớm nhất để tháo gỡ cho vấn đề này.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết thêm, liên quan đến việc này, có ý kiến phản ánh rằng có việc cưỡng chế thuế, cấm xuất cảnh đối với một số lãnh đạo của các đơn vị. Về vấn đề này, Bộ Tài chính, Cơ quan Tổng cục thuế không có bất có chỉ đạo đối với vấn đề liên quan đến việc chậm nộp thuế. "Cụ thể, cá nhân hoặc cơ quan thuế nào xảy ra việc này thì Bộ Tài chính rất mong có phản ánh kịp thời để Bộ sẽ có biện pháp xử lý đúng với tinh thần chung", Thứ trường Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Đối với tài chính xanh, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, lĩnh vực này chủ yếu liên quan đến Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Bộ Tài chính sẵn sàng phối hợp để triển khai công cụ tài chính xanh, trái phiếu xanh. Bộ Tài chính đã chuẩn bị sẵn sàng khi có những tiêu chí cụ thể khi đó Bộ Tài chính sẽ đưa ra chính sách cụ thể để xây dựng thị trường tài chính xanh.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá, trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã rất tích cực tham gia thị trường vốn, phát triển thị trường chứng khoán rất hiệu quả. Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Bộ Tài chính kiến nghị các ngân hàng thương mại: "Với 3 vai trò phát hành, đầu tư, tư vấn trên thị trường vốn và thị trường chứng khoán, mong các lãnh đạo của các ngân hàng thương mại chỉ đạo các hoạt động của ngân hàng mình hết sức trách nhiệm và theo đúng quy định của pháp luật để tiếp tục đóng góp cho thị trường vốn và thị trường chứng khoán của quốc gia", Thứ trường Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Chính phủ ban hành một Nghị định riêng về tín dụng xanh và trái phiếu xanh, trong đó quy định chi tiết về điều kiện, quy trình, thủ tục và các phương thức tiếp cận tín dụng ưu đãi, ưu đãi lãi suất…
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đưa ra 3 kiến nghị liên quan đến lĩnh vực của Bộ.
Thứ nhất, về nội dung mà đại diện Ngân hàng ACB có đề cập liên quan đến các tài khoản thuế chấp được quyền sử dụng đất, được miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, nội dung này đã được quy định cụ thể tại điểm b, khoản 3 của điều 33 Luật Đất đai năm 2024.
Theo đó, đối với các tổ chức được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, hoặc cho thuê đất, thu tiền thuê đất, thu tiền một lần cho cả thời gian thuê để thực hiện dự án cho mục đích kinh doanh, mà thuộc đối tượng được nhà nước miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, tiền thuế đất thì quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó đối với đất sẽ không khác gì đối với các trường hợp mà không được miễn giảm.
"Tóm lại, trong quá trình sử dụng làm tài sản bảo đảm tại ngân hàng, tại các tổ chức tín dụng thì không bị ảnh hưởng gì đến quyền, nghĩa vụ. Chỉ khi tổ chức đó chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hoặc đem góp vốn quyền sử dụng đất, khi đó nhà nước sẽ thu lại khoản tiền tương ứng với khoản tiền mà nhà nước đã miễn giảm khi giao đất hoặc cho thuê đất", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho hay.
Thứ hai, về kiến nghị của Ngân hàng TPBank liên quan đến việc cho phép các nhà đầu tư đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở, nếu phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất thì được phép làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho hay, hiện nay, trong Luật Đất đai 2024 không quy định vấn đề này, Luật Đất đai chỉ quy định đối với các dự án quy mô lớn, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thì nhà nước sẽ thu hồi và thực hiện đấu thầu, đấu giá cho nhà đầu tư.
Đối với các trường hợp khác, không thuộc diện nhà nước thu hồi đất, chưa quy định nhà đầu tư được tiếp cận thông qua hình thức chuyển nhượng hoặc đang có quyền sử dụng đất, nhưng không phải là đất ở thì được phép thực hiện dự án nhà ở xã hội. Từ thực tế đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt.
"Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng Nghị quyết về việc thí điểm thực hiện các dự án nhà ở thương mại thông qua hình thức nhận chuyển quyền sử dụng đất, hoặc đang có quyền sử dụng đất. Bao gồm các trường hợp như Ngân hàng TP Bank đã đề xuất, cả đất nông nghiệp, phi nông nghiệp, không phải là đất ở. Chúng tôi hy vọng, tới đây khi trình Quốc hội và được thông qua sẽ tháo gỡ được nội đung này. Khi đó sẽ tháo gỡ được cho rất nhiều doanh nghiệp và nhiều địa phương. Hiện dự thảo Nghị quyết này đã qua bước thẩm định của Bộ Tư pháp. Dự kiến, trong tuần tới sẽ báo cáo Chính phủ để xin ý kiến trình Quốc hội thông qua", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết.
Thứ ba, liên quan đến tín dụng xanh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho hay, nội dung này đã được đề cập lần đầu tiên trong Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường năm 2020 tại điều 149 và điều 150 của Luật. Trong đó, quy định các dự án đầu tư bảo vệ môi trường, hoặc có giá trị về bảo vệ môi trường thì sẽ được tiếp cận tín dụng xanh và được phát hành trái phiếu xanh. Chẳng hạn như các dự án thu gom xử lý rác thải, nước thải, trồng rừng…
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, trong quá trình xây dựng Nghị định 08 về hướng dẫn Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã đưa vào 4 điều Nghị định 08. Tuy nhiên, nội dung chưa thực sự đầy đủ, bởi để thực hiện được tài chính xanh, trái phiếu xanh thì cần quy định rõ danh mục nào, dự án nào thì được tiếp cận. Để tháo gỡ vấn đề này, hiện Bộ đã trình hồ sơ để Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công bố danh mục các dự án được tiếp cận tài chính xanh, hay dự án được phát hành trái phiếu xanh.
Theo đó, hiện các ngân hàng, các nhà đầu tư quan tâm đến chính sách ưu đãi đối với các dự án đáp ứng đủ tiêu chí về tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Có thể là nguồn vốn ưu đãi của chính phủ của các đối tác nước ngoài, hay các tổ chức thông qua hỗ trợ phát triển. Bên cạnh đó, quan tâm về lãi suất áp dụng với các dự án tiếp cận tín dụng xanh; đồng thời quan tâm về quản lý rủi ro, môi trường trong các hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng trong nước và đại diện các ngân hàng ở nước ngoài.
Liên quan đến tín dụng xanh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đề xuất Chính phủ ban hành một Nghị định riêng về tín dụng xanh và trái phiếu xanh, trong đó quy định chi tiết về điều kiện, quy trình, thủ tục và các phương thức tiếp cận tín dụng ưu đãi, ưu đãi lãi suất…
Thùy Chi