|
Vịnh Hạ Long, một điểm du lịch hấp dẫn của Vùng DHBB
|
Đó là mục tiêu phát triển và tầm nhìn đến năm 2050 của Vùng Quy hoạch DHBB vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phạm vi lập quy hoạch của Vùng DHBB bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Hải Phòng và 4 tỉnh: Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. Với diện tích tự nhiên hơn 12.000 km2. Dân số toàn Vùng đến năm 2015 vào khoảng 8,65 triệu người. Đến năm 2025 vào khoảng 8,5-9 triệu người.
Định hướng phát triển không gian Vùng Duyên hải Bắc Bộ
Vùng DHBB phát triển theo hướng vùng đô thị đa cực, phát triển kinh tế, công nghiệp, dịch vụ tập trung trên trục kinh tế Hải Phòng-Hạ Long-Móng Cái. Trong đó, Hải Phòng-Hạ Long là đô thị trung tâm vùng phát triển công nghiệp, cảng biển, dịch vụ, du lịch.
Tổ chức không gian công nghiệp Vùng DHBB gồm: Vùng đô thị hạt nhân và vùng phát triển đối trọng. Vùng trọng điểm công nghiệp tập trung chủ yếu tại khu vực Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành hành lang kinh tế chủ đạo của vùng kết nối với quốc lộ 5, 18, 10 với Vùng Thủ đô Hà Nội. Trong đó chú ý phát triển các đô thị chuyên ngành chủ yếu gắn liền các khu du lịch, khu kinh tế, khu công nghệ cao như Vân Đồn, Cát Bà, Đồ Sơn, Cát Hải, Tràng An.
Vùng DHBB có tiềm năng du lịch rất lớn, đặc biệt tập trung ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình. Do vậy, về tổ chức không gian du lịch vùng cần đầu tư vào các khu bảo tồn thiên nhiên và Vườn quốc gia Cát Bà, Cúc Phương. Hạ Long, Bạch Long Vĩ... Một số địa danh này có thể đầu tư thành trung tâm du lịch cấp quốc gia và quốc tế.
Xây dựng hệ thống dịch vụ, thương mại và giao thông đồng bộ, hiện đại
Về tổ chức định hướng phát triển hệ thống dịch vụ xã hội, sẽ tiến hành xây dựng các trung tâm thương mại đầu mối, với vai trò phát luồng điều hòa phân phối hàng hóa rong Vùng tại thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình.
Xây dựng trung tâm y tế chất lượng cao cấp Vùng tại thành phố Hải phòng, Nam Định để giảm tải cho các bệnh viện đầu ngành của Hà Nội. Vùng sẽ tổ chức 3 trung tâm đào tạo tại Hải Phòng, Nam Định, Hạ Long và dự kiến phát triển thêm 15 trường đại học, cao đẳng (hiện nay là 20 trường).
|
Cảng Hải Phòng sẽ được đầu tư để có thể đón tàu 80.000 DWT
|
Hệ thống giao thông cũng được chú trọng đầu tư, xây dựng nhằm kết nối một cách đồng bộ, thuận lợi giữa các địa phương và các tỉnh phía Nam Trung Quốc, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh trong Vùng.
Tại Vùng DHBB, sẽ xây dựng mới các tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng; Nội Bài-Hạ Long-Móng Cái và đường cao tốc Bắc-Nam. Đồng thời, cải tạo lại một số đường quốc lộ hiện có. Hệ thống đường sắt cũng được xây mới theo tiêu chuẩn quốc gia như tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam, Hà Nội-Hải Phòng, Lạng Sơn-Quảng Ninh và các tuyến nội vùng.
Đặc biệt, hệ thống giao thông đường thủy được chú trọng, vì đây thực sự là thế mạnh của vùng. Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng được đầu tư, xây dựng để có thể tiếp nhận tàu từ 30.000 DWT-80.000 DWT. Cải tạo nâng cấp cảng than Cẩm Phả, cảng Hòn Nét để phục vụ cho ngành công nghiệp khai khoáng. Bên cạnh đó, sẽ nâng cấp cảng hàng không Cát Bi thành cảng hàng không quốc tế dự bị cho sân bay quốc tế Nội Bài và xây dựng mới sân bay tại Vân Đồn (Quảng Ninh).
Mai Hương
(Nguồn: Quyết định số 865/QĐ-TTg)
|