Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chiều 7/4, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã chủ trì phiên họp Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, năm 2022 là năm dấu mốc quan trọng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW triển khai định hướng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã được ban hành. Đây là nền tảng quan trong trong thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn tới.
Trên thực tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã khôi phục trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Về số lượng, ước năm 2022, cả nước có 29.378 hợp tác xã; 125 liên hiệp hợp tác xã và 71.000 tổ hợp tác.
So với năm 2021, số hợp tác xã tăng 7% (tăng 2036 hợp tác xã); số liên hiệp hợp tác xã tăng khoảng 17% (tăng 18 liên hiệp hợp tác xã). Tổng số thành viên hợp tác xã là 5.935 nghìn thành viên, tăng 243 nghìn thành viên (khoảng 4%). Số hợp tác xã là thành viên của liên hiệp hợp tác xã là 851, tăng 183 hợp tác xã (khoảng 27%) so với năm 2021,…
Nhìn chung các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động của hợp tác xã đều tăng so với năm trước. Doanh thu bình quân của các hợp tác xã đạt 3.592 triệu đồng/1 hợp tác xã, tăng 935 triệu đồng (khoảng 35%) so với năm 2021.
Số lãi bình quân của 1 hợp tác xã là 366 triệu đồng/hợp tác xã/1 năm. Thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong hợp tác xã năm 2022 là 56 triệu đồng/người (tăng khoảng 4 triệu đồng, tương đương 8% so với năm 2021).
Báo cáo của Ban Chỉ đạo đặt mục tiêu trong năm 2023, cả nước sẽ có khoảng 73 nghìn tổ hợp tác với 1,1 triệu thành viên; 31 nghìn hợp tác xã với 6,7 triệu thành viên, 158 liên hiệp hợp tác xã với 870 hợp tác xã thành viên.
Số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm trên 60%. Tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt trên 22,5%. Trên 2000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với nông sản.
Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, phấn đấu có khoảng 32% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
Xử lý dứt điểm tình trạng các hợp tác xã đã ngừng hoạt động và các hợp tác xã chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Nhằm đạt được các mục tiêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định các giải pháp: Đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội – nghề nghiệp và Liên minh hợp tác xã Việt Nam đối với phát triển kinh tế tập thể; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Bộ NNPTNT, Liên minh Hợp tác xã, NHNN, Ban Kinh tế Trung ương, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội,… bày tỏ đồng tình với nội dung báo cáo, đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2022, nhất là trong phát triển các vùng nguyên liệu, chuyển đổi xanh; xây dựng các chuỗi giá trị trong tiêu thụ sản phẩm; đào tạo nguồn nhân lực quản lý hợp tác xã; tình hình cung ứng tín dụng và triển khai các chính sách ưu đãi về tài chính đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã;…
Đồng thời, đại diện các bộ ngành, cơ quan, tổ chức Trung ương cũng đề xuất, kiến nghị một số nội dung liên quan đến hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhất là các cơ chế hỗ trợ về tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực; kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo; phát triển các hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, tham gia quản lý; tạo điều kiện để các hợp tác xã thành lập doanh nghiệp nhằm tối đa hóa lợi nhuận; nghiên cứu bài bản nhằm hoàn thiện lý luận về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã;… để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW, tạo điều kiện cho kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục có những bước phát triển mới trong thời gian tới.
Về phía các chuyên gia, nhà kinh tế, nhà khoa học, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng: "Vai trò của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã là rất quan trọng, nhưng thực tế khu vực này là yếu nhất. Phải xác định như vậy để có giải pháp phù hợp và hiệu quả".
Theo ông, với 2/3 tổng số hợp tác xã hoạt động trong khu vực nông nghiệp. Do đó cần xác định rõ các động lực để thúc đẩy khu vực hợp tác xã nông nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Đình Cung cũng đề nghị trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cần quy định cụ thể về động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển. Đơn cử như phải có cơ chế để hợp tác xã thu hút nhân tài (cơ chế làm việc, tiền lương). "Một tổ chức muốn phát triển phải có tính mở, thu hút được nhân tố mới về bên ngoài", TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Tiến, nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có sự chuyển đổi về chất, nhưng nhìn chung quy mô của hợp tác xã còn khiêm tốn.
Chính sách của chúng ta cần phải hướng mạnh tới việc hỗ trợ các hợp tác xã phát triển quy mô (cả về quy mô dịch vụ, số lượng hợp tác xã, số lượng thành viên tham gia vào hợp tác xã). Đồng thời, cần phải có quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện cho các hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận đất đai (tập trung, tích tục đất đai), cũng như tiếp cận tín dụng, khoa học công nghệ để tổ chức sản xuất ngôn nghiệp quy mô lớn.
PGS.TS Chu Tiến Quang cho rằng: Chúng ta nói nhiều về kinh tế tập thể, nhưng "hiểu về kinh tế tập thể vẫn còn chưa rõ lắm". Do vậy cần phải có những hội thảo, hội nghị chuyên sâu để thảo luận sâu hơn, cụ thể hơn về bản chất của kinh tế tập thể, cũng như tính chất nền tảng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhất là các vấn đề liên quan đến "sở hữu tập thể", động lực để phát triển "sở hữu tập thể"; phân phối trong hợp tác xã;… các chính sách hỗ trợ phải được thiết kế để hướng tới hỗ trợ để các thành viên cống hiến, phát triển "sở hữu tập thể",…
Đồng thời cũng cần phải làm rõ đặc điểm riêng của hợp tác xã là "tính kép" (thị trường kép, sở hữu kép,…) của nó; hợp tác xã không thuần túy là làm "đại lý cho doanh nghiệp" mà cần phải được tạo điều kiện để vươn lên làm chủ chuỗi giá trị trên thị trường.
PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ bày tỏ băn khoăn trước thực tế thể chế về hợp tác xã "chưa thực sự phù hợp với cuộc sống nên chưa đi vào cuộc sống".
Theo ông, cần phải đổi mới tư duy về hợp tác xã để đảm bảo chính sách đi vào cuộc sống, nhất là đối với hợp tác xã nông nghiệp. Và hiện tại chúng ta đang đứng trước cơ hội lớn khi sửa đổi Luật Hợp tác xã. Luật hợp tác xã mới phải "rất mở", phải đưa ra các cơ chế mới để thúc đẩy hợp tác xã phát triển.
PGS.TS Đinh Dũng Sỹ nhấn mạnh: Việc phát triển hợp tác xã hiện nay đang tồn tại một nghịch lý, đó là hợp tác xã đang "đòi được bình đẳng với doanh nghiệp".
Ông lý giải, các chính sách của Đảng, Nhà nước đều nhấn mạnh vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã nhưng thể chế của chúng ta thiết kế chưa thực sự tạo ra được động lực cho hợp tác xã phát triển.
Đơn cử, hợp tác xã rất khó tiếp cận vốn, do không có tài sản chung để thế chấp vay vốn. Hợp tác xã cũng rất khó tiếp cận đất đai. Bên cạnh đó, hệ thống các Quỹ tín dụng nhân dân cũng chưa phát huy hết vai trò của mình…
Chính vì vậy, trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) lần này phải cố gắng cập nhật cơ bản các chính sách mới, đột phá, phù hợp với thực tiễn, sát với nhu cầu của chủ thể để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ nhấn mạnh.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu đại diện các bộ ngành, cơ quan, các chuyên gia, nhà khoa học, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Kinh tế tập thể hợp tác xã là thành phần kinh tế quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích phát triển.
Vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã đã được khẳng định trong các văn kiện, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước và gần đây nhất là Nghị quyết số 20-NQ/TW ban hành năm 2022 đã tái khẳng định và củng cố vai trò của kinh tế tập thể để phù hợp với tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta.
Nghị quyết số 20-NQ/TW khẳng định: "Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Khẳng định phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị".
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao những kết quả đã đạt được về kết quả phát triển kinh tế tập thể như: Trong năm 2022 khu vực kinh tế tập thể đã phát triển cả về số lượng và chất lượng; nhiều loại hình hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị sản phẩm bền vững; khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần vào tăng trưởng kinh tế, an sinh, công bằng xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước,…
Ban Chỉ đạo đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chủ trương, chính sách và chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; trọng tâm là xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW; triển khai thực hiện nhiệm vụ sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 đảm bảo chất lượng và theo đúng kế hoạch đề ra;…
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Trong việc xây dựng thể chế để phát triển kinh tế tập thể khó nhất là vấn đề phân phối. "Làm ra đã khó, nhưng tổ chức phân phối để đảm bảo công bằng và phát triển bền vững còn khó hơn". Chính vì vậy, trong quá trình soạn thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng cả về lý luận và thực tiễn; cầu thị tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, khảo sát, tổng kết kinh nghiệm thực tế để thể chế hóa vấn đề này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Chịu tác động của biến động thị trường; quy mô nguồn vốn nhỏ; trình độ cán bộ hạn chế, chậm chuyển đổi số; hợp tác xã chưa thu hút được nhiều thành viên tham gia và yếu trong liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Một số chính sách còn chưa phù hợp với tính chất, quy mô và đặc điểm của mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã; nguồn lực triển khai chính sách chưa thực sự hiệu quả; do tác động của dịch bệnh COVID-19, nên hoạt động của Ban chỉ đạo trong 2 năm vừa qua chưa được thường xuyên, liên tục…
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, trong năm 2023, khối lượng công việc của Ban Chỉ đạo là rất lớn, cùng với những mặt còn tồn tại, hạn chế nêu trên, để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, các thành viên Ban chỉ đạo và các bộ ngành cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh triển khai và cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW; Nghị quyết số 09/NQ-CP, ngày 2/2/2023 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW; chương trình, kế hoạch thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương và đôn đốc kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện đảm bảo thống nhất, xuyên suốt trong toàn hệ thống.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; trọng tâm là dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), các văn bản hướng dẫn thi hành và các cơ chế đặc thù hỗ trợ lĩnh vực kinh tế tập thể tạo tiền đề cho sự phát triển trong những năm tiếp theo.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị định, Thông tư và các văn bản hướng dẫn Luật, để đảm bảo tính kịp thời, đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã mới. Tránh tình trạng Luật phải chờ Nghị định, Thông tư mới đi vào cuộc sống.
Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục "dành thời gian, tâm huyết, cầu thị tiếp thu các ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, cố gắng hoàn thiện dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) với chất lượng cao nhất, đáp ứng đúng nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, bảo đảm khi luật được thông qua sẽ sớm đi vào cuộc sống".
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Quyết định số 1804/QĐ-TTg, ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng thể các Luật về thuế để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung; trong đó cần có chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đặc thù, phù hợp với bản chất tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của các tổ chức kinh tế hợp tác.
Giao NHNN rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân trong việc mở rộng địa bàn hoạt động, kết nạp thành viên mới;… sửa đổi các quy định gây vướng mắc, chồng chéo với Luật Hợp tác xã; nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về cho vay nội bộ trong quá trình sửa đổi Luật hợp tác xã.
Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ khẩn trương rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022.
Thứ ba, kiện toàn và nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể, kiện toàn nhân sự, bộ máy giúp việc của Ban Chỉ đạo các cấp để tạo sự thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt, toàn diện và thường xuyên trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, điều hành, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW và các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tập thể.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về kinh tế tập thể, hợp tác xã, các hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp để nâng cao nhận thức của người dân và cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt là việc tuyên truyền và nhân rộng mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí xây dựng các chuyên mục về kinh tế tập thể…
Thứ năm, xây dựng, phát hiện mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động của hiệu quả từ thực tiễn theo lĩnh vực phụ trách để tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng và tăng cường truyền thông, quảng bá các mô hình có tính mới, hoạt động hiệu quả, có sự lan tỏa rộng…
Tăng cường điều tra, khảo sát, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã để kịp thời tham mưu các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ.
Hằng năm, các Ủy viên Ban Chỉ đạo, các bộ ngành phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, chủ trì tổ chức các đoàn công tác liên ngành tại các địa bàn được phân công phụ trách để nắm bắt thực tiễn, làm cơ sở tham mưu các chính sách thích hợp, hiệu quả.
Thứ 6, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, ưu tiên bố trí kinh phí, cán bộ theo dõi các nội dung về đổi mới kinh tế tập thể, hợp tác xã ở cơ quan, đơn vị từ trung ương tới địa phương.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Đổi mới phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, khẩn trương hoàn thiện và trình ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ban Chỉ đạo.
Đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào kế hoạch hoạt động hàng năm của Ban Chỉ đạo, triển khai có hiệu quả đúng tiến độ các nhiệm vụ được phân công. Báo cáo kết quả thực hiện theo đúng quy định. Trong quá trình thực hiện, kịp thời phản ánh các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp xử lý phù hợp.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Kinh tế tập thể, hợp tác xã là mô hình kinh tế của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, là con đường để đưa nhân dân đến gần hơn với lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội.
Phát triển mạnh mẽ kinh tế tập thể, hợp tác xã chính là phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế xã hội, hướng đến mục tiêu "dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tin tưởng, với những tín hiệu mới đang tác động lớn tới phong trào xây dựng hợp tác xã, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương và nỗ lực phấn đấu vươn lên của các hợp tác xã, trong thời gian tới kinh tế tập thể, hợp tác xã ở nước ta sẽ sớm phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Nhân kỷ niệm Ngày Hợp tác xã Việt Nam (ngày 11/4/2023) sắp tới, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực với tinh thần dám nghĩ, dám làm của các hợp tác xã, tổ hợp tác trên cả nước đã đóng góp tích cực vào phát triển phong trào kinh tế tập thể, hợp tác xã nói riêng và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của cả nước./.
Trần Mạnh