Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cùng đi có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lữ Văn Hùng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều.
Theo báo cáo của thị xã Giá Rai, tổng kinh phí thực hiện 3 chương trình MTQG trên địa bàn từ năm 2021-2023 là gần 124 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là hơn 55 tỷ đồng, phần còn lại là ngân sách địa phương.
Kết quả giải ngân đến 31/7, thị xã Giá Rai đã giải ngân được hơn 73,67 tỷ đồng, đạt 67,55% dự toán được giao.
Chủ tịch UBND thị xã Đỗ Minh Thắng cho biết, việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, bảo đảm đúng theo hướng dẫn, đúng đối tượng thụ hưởng.
Nhiều cơ chế, chính sách, dự án hỗ trợ người nghèo được thực hiện có hiệu quả, từ đó giải quyết kịp thời các vấn đề cơ bản, bức xúc của hộ nghèo, hộ cận nghèo về nhà ở, đất ở, đất sản suất, khám chữa bệnh, học tập, vay vốn và đầu tư các cơ sở hạ tầng.
Nguồn lực của Nhà nước cũng như nguồn lực huy động từ xã hội cho công tác giảm nghèo được sử dụng có hiệu quả; ngân sách phân bổ năm sau cao hơn năm trước và có sự đầu tư tập trung, có trọng điểm.
Về khó khăn, vướng mắc, thị xã Giá Rai phản ánh, việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện một số dự án về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng còn chậm, dẫn đến khó khăn cho địa phương trong triển khai thực hiện.
Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, thị xã Giá Rai cho biết, chưa có văn bản quy định mức đất sản xuất/hộ làm cơ sở xác định hộ thiếu đất sản xuất; chưa có định mức hỗ trợ đất ở, đất sản xuất trong khi thị xã không có quỹ đất để hỗ trợ.
Theo Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Ủy ban Dân tộc, trường hợp địa phương không có quỹ đất để hỗ trợ thì thực hiện chuyển đổi nghề. Tuy nhiên, đối tượng thụ hưởng phải là hộ sinh sống bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp. Quá trình rà soát trên địa bàn thị xã chỉ có 5 hộ đủ điều kiện hỗ trợ chuyển đổi nghề, số hộ nghèo dân tộc thiểu số còn lại phần đông là lao động tự do.
Thị xã Giá Rai kiến nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình MTQG cần bố trí tập trung, tránh dàn trải, nhỏ lẻ; tham mưu cho Chính phủ xây dựng cơ chế thực hiện áp dụng cho từng vùng miền trên cơ sở đặc điểm cụ thể của từng địa phương.
Thị xã cũng kiến nghị các sở, ban ngành của tỉnh quan tâm hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho thị xã triển khai các chương trình; thường xuyên cử cán bộ phụ trách chương trình xuống địa bàn để hỗ trợ thực hiện và kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương trực tiếp giải đáp những khó khăn, vướng mắc của thị xã Giá Rai, đồng thời cập nhật tình hình ban hành văn bản hướng dẫn, quy định liên quan đến việc triển khai 3 chương trình MTQG.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao, biểu dương thị xã Giá Rai đã làm tốt công tác vận động, tuyên truyền để giúp người dân hiểu được trách nhiệm, thấy được lợi ích to lớn và tham gia tích cực vào việc thực hiện các chương trình MTQG, nhờ đó có nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả cao, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, khang trang, đáng sống.
Điều đáng vui mừng nhất là thị xã có nhiều mô hình làm kinh tế đã và đang sử dụng nguồn vốn lồng ghép của các chương trình MTQG, giúp cho đời sống từng người, từng nhà khá lên và đây là mục tiêu tối thượng của các chương trình MTQG, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng lưu ý, việc lồng ghép nguồn vốn phải thực hiện hết sức chặt chẽ, mạch lạc cho từng nội dung cụ thể của dự án.
Đối với tỉnh Bạc Liêu, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần cố gắng hơn nữa, vì tỉ lệ giải ngân chung của 3 chương trình MTQG còn thấp hơn so với mặt bằng chung của các địa phương trong khu vực ĐBSCL.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh phải nhanh chóng ban hành 2/12 văn bản hướng dẫn còn nợ theo phân cấp; nghiên cứu, phổ biến những văn bản Trung ương vừa ban hành gần đây, trong đó có Nghị định số 38/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG, để đẩy nhanh việc tổ chức chức thực hiện các chương trình MTQG, tránh sai sót.
Cũng trong sáng nay, Phó Thủ tướng đã đến thăm, động viên, tặng quà gia đình ông Châu Hoàng Tây (cư trú tại thị trấn B, huyện Hòa Bình) và ông Thạch Ngọc Lâm (cư trú tại thị trấn A1, huyện Hòa Bình), đều là đồng bào Khmer được hỗ trợ nhà ở theo Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Phó Thủ tướng ân cần thăm hỏi điều kiện sống, kinh tế gia đình của các hộ trước và sau khi được chăm lo về nhà ở; mong muốn các hộ dân tộc Khmer của thị trấn Hòa Bình tiếp tục vượt khó, cố gắng phát triển sản xuất để ngày càng vươn lên trong cuộc sống, góp phần đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và địa phương phát huy hiệu quả, ý nghĩa của các chương trình MTQG để hướng đến giảm nghèo bền vững.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đã đi thăm các mô hình làm kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm, mô hình nuôi chồn hương, và mô hình Trụ sở ấp thông minh tại xã Phong Thạnh A.
Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai các nguồn vốn thuộc chương trình MTQG để tạo điều kiện cho người dân đầu tư cho sản xuất; quan tâm công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời nghiên cứu nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả của xã Phong Thạnh A.
Hải Minh