• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đôn đốc ứng phó bão số 16

(Chinhphu.vn) - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày 25/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ vào Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau (khu vực dự báo tâm bão sẽ đổ bộ) để kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó bão.

25/12/2017 20:20

Phó Thủ tướng thị sát công tác ứng phó bão tại tỉnh Cà Mau.

Thực hiện nghiêm lệnh cấm biển, kiên quyết di dời dân đến nơi an toàn

Rời Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ đến kiểm tra công tác ứng phó bão tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Thực tế cho thấy, chính quyền cơ sở, các lực lượng vũ trang đã phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về người, tài sản của nhân dân. Lực lượng Bộ đội Biên phòng đã tăng cường lực lượng trực 24/24 và duy trì hiệu quả mạng thông tin liên lạc kêu gọi, thông báo tàu thuyền của ngư dân vào bờ tránh trú.

Đến 18 giờ ngày 25/12, toàn bộ phương tiện của ngư dân hoạt động trên biển đã vào bờ tìm nơi neo đậu; các điểm sơ tán dân cũng đã ổn định nơi ăn nghỉ. Các đơn vị tiếp tục cử lực lượng tuần tra các địa bàn trọng điểm để giữ gìn an ninh trật kết hợp nhắc nhở bà con không chủ, quan lơ là khi tình hình bão đang diễn biến phức tạp.

Sau khi thị sát công tác ứng phó bão, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Cà Mau. Ảnh VGP/Xuân Tuyến

Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Cà Mau. Nội dung cuộc họp được thông tin đến lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL. Sau khi nghe các báo cáo của các bộ, ngành, cơ quan chức năng và các địa phương, Phó Thủ tướng kết luận cuộc họp. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và biểu dương sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm và sáng tạo của các cấp chính quyền, người dân các tỉnh ĐBSCL.

Qua thực tế kiểm tra, Phó Thủ tướng ghi nhận các tỉnh đã huy động các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền để cùng với người dân triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng chống bão. Người dân cũng đã có nhiều giải pháp sáng tạo trong việc sử dụng vật liệu sẵn có để chằng chống nhà cửa, nghiêm túc tuân thủ yêu cầu sơ tán khỏi nơi nguy hiểm.

Trong thời gian từ nay đến khi bão đổ bộ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh yêu cầu chung là phải quyết liệt, không được chủ quan mà phải chủ động không để bị bất ngờ, mục tiêu là đảm bảo an toàn tính mạng, bảo vệ tài sản cho người dân, nhà nước, bảo vệ các công trình, cơ sở sản xuất.

Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương phải tiếp tục thực hiện nghiêm lệnh cấm biển cho đến khi an toàn. Cùng với đó, kiểm tra lại việc neo đậu, tránh trú bão, không để người dân còn trên các tàu neo đậu, nhất là trên các tàu thuyền hiện đang neo đậu khu vực cửa sông để đảm bảo an toàn.


Chính quyền các địa phương cũng phải kiên quyết sơ tán người dân khỏi các khu vực nguy hiểm, đưa người dân đến các công trình kiên cố, có khả năng chống chịu gió bão. Cùng với đó, tiếp tục hướng dẫn người dân đảm bảo an toàn, không để người dân trở lại nhà khi vẫn còn nguy hiểm.

Phó Thủ tướng yêu cầu, trong đêm nay tiếp tục kiểm tra, rà soát lại công tác bảo vệ nhà cửa của người dân, các công trình công cộng, đặc biệt là các tháp cao (cột ăng ten), các công trình hạ tầng thiết yếu (điện, thông tin…), các cơ sở sản xuất...

Ủy ban Quốc gia  về Ứng phó sự cố, Tìm kiếm cứu nạn; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng – chống thiên tai, các Bộ, ngành Trung ương chuẩn bị phương tiện, lực lượng để sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ các địa phương, hỗ trợ người dân khi cần thiết. Đặc biệt, cần phát huy vai trò trung tâm của lực lượng vũ trang (Quân đội, Công an, Quân khu 7, Quân khu 9, Bộ đội Biên phòng, cùng các đơn vị đóng chân trên địa bàn...) trong việc bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc bảo vệ tính mạng cho người dân sau khi bão đổ bộ, tránh tình trạng người dân gặp tai nạn điện, giao thông, tai nạn trong quá trình sửa chữa nhà cửa…Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình mưa bão để kịp thời đưa tin, vận động người dân, cung cấp thông tin cho các cơ quan nhà nước có thể xử lý kịp thời.






Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo tỉnh Cà Mau thị sát khu neo đậu tàu thuyền tại huyện Trần Văn Thời. Ảnh VGP/Xuân Tuyến

Hoan nghênh công tác ứng phó bão của huyện U Minh

Trước đó, đoàn công tác của Trung ương do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường làm trưởng đoàn đến kiểm tra việc neo đậu tàu truyền tránh trú bão tại cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh. Cùng đi với đoàn có Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện.

Qua kiểm tra thực tế tại xã Khánh Hội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao công tác chủ động ứng phó bão của địa phương. Đặc biệt là việc kiểm đếm, sắp xếp tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. 

Tính đến 13 giờ ngày 25/12, toàn huyện U Minh có 755/755 phương tiện khai thác thủy sản đã vào nơi neo đậu an toàn tại khu neo đậu tàu truyền tránh trú bão cửa biển Khánh Hội. Việc sơ tán dân sáng nay của địa phương diễn ra nhanh và quyết liệt. Bộ trưởng hoan nghênh tinh thần này.

Bộ trưởng lưu ý điạ phương phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí trong tuyên truyền các thông tin về bão đến các cấp chính quyền và người dân. Trong đó, cần quan tâm đến người dân sinh sống ở ven biển, vùng trũng không đảm bảo an toàn khi có bão và nước biển dâng.

Cà Mau: Quyết liệt ứng phó bão

Kiểm tra thực tế tình hình ứng phó bão số 16 tại xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo địa phương kiên quyết và thực hiện ngay việc sơ tán, đồng thời bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự tại những địa điểm người dân sơ tán.

Tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, trưa 25/12, kiểm tra công tác phòng, chống bão số 16 của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo, địa phương cần nâng cao ý thức phòng tránh và thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, không chủ quan, lơ là.

Chủ tịch tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải kiểm tra công tác ứng phó bão. Ảnh báo Cà Mau

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã thị sát tình hình thực tế việc di dời người dân sinh sống ven các tuyến biển cũng như công tác vận động Nhân dân nâng cao ý thức phòng tránh và kịp thời chằng chống nhà cửa đảm bảo an toàn.

Đồng thời, chỉ đạo xã Đất Mũi cần sắp xếp lại trật tự các phương tiện khai thác, đánh bắt thuỷ sản trên địa bàn huyện, kêu gọi chủ phương tiện neo đậu an toàn theo quy định, hạn chế việc phương tiện bị va đập nhau.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải lưu ý, xã Đất Mũi hiện còn các phương tiện neo đậu cách cửa biển Đất Mũi khoảng 1,5 km cần vận động, tuyên truyền vào tránh trú an toàn.

Hỗ trợ người dân thu hoạch cá lồng bè

Ngư dân nuôi cá lồng bè nguy cơ thiệt hại nặng

* Dẫn thông tin từ đảo Hòn Chuối, báo Cà Mau cho biết, sáng 25/12, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Chuối tiếp tục tập trung lực lượng giúp dân chằng chống nhà cửa, di dời tài sản có giá trị và người lên đồn tránh trú.

Đồng thời, lực lượng hỗ trợ người dân dời lồng bè cá, bao lưới và thu hoạch cá. Tuy nhiên, do lượng cá nhiều nên cư dân không thể bán được nên đành chấp nhận bỏ lại trong bè. Ước tính số cá còn lại trong bè khoảng 10.000 con.

Thượng tá Nguyễn Quốc Thái, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòn Chuối cho biết, đến thời điểm hiện tại, tình hình di dời dân đã ổn định, toàn bộ người già, trẻ em, phụ nữ đã được bố trí ăn ở tại đồn.

Tại cửa biển Sông Đốc, Đồn Biên phòng Sông Đốc vẫn duy trì các tổ, đội công tác tuần tra, kêu gọi, sắp xếp tàu thuyền vào bến neo đậu. Những trường hợp cố tình không chịu dời tàu sẽ bị xử lý sau bão.

Trên các địa bàn huyện Ngọc Hiển, U Minh, Đầm Dơi, Năm Căn, các đồn biên phòng đều phối hợp chặt chẽ các lực lượng và địa phương làm tốt công tác di dời dân về đơn vị trú tránh và kêu gọi, sắp xếp bến neo đậu cho tàu thuyền của ngư dân vào neo đậu.

Thượng tá Đào Xuân Ninh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Giang Tây (huyện Ngọc Hiển) cho biết, trong suốt máy ngày qua, cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị tập trung giúp dân ở các địa bàn ven biển, những ga đình sống nhà tạm và nơi an toàn, hiện đồn đã tiếp nhận bố trí nơi ăn, nghỉ cho trên 1.000 người.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Cà Mau gió bắt đầu hơi mạnh, vài nơi có mưa nhỏ, biển đã có sống lớn. Mọi công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với bão số 16 được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm và chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ.

Lực lượng chức năng vận động người dân di dời đến nơi an toàn.

Thực hiện triệt để việc di dời dân đến nơi an toàn

* Sáng 25/12, công tác kiểm tra và vận động nhân dân sống trên đê biển tây và khu vực rừng phòng hộ (thuộc diện di dời khẩn cấp) trên địa bàn thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời trong đó tập trung đông nhất là Khóm 1 và Khóm 6B, vẫn đang được các lực lượng khẩn trương thực hiện.

Đại tá Trương Ngọc Danh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, trực tiếp xuống Khóm 1 chỉ đạo các tổ kiểm tra nếu vận động thuyết phục không được thì phải bắt buộc di dời, đồng thời ghi rõ nhật ký hộ di dời, nhà có người thân đang còn đánh bắt ngoài, cắt điện toàn bộ các khu vực dân cư sống ngoài đê (sẽ khắc phục lại sau khi bão đi qua).

“Ngoài việc vận động người dân chằng néo nhà cửa thì các trụ ăng tel điện thoại, cột điện… cũng đề nghị các ngành có liên quan kiểm tra. Hơn hết là khi bão đổ bộ vào đất liền, mọi người tuyệt đối không đi ra để bảo đảm tình mạng”, Đại tá Trương Ngọc Danh kiên quyết.

Theo ông Nguyễn Minh Cảnh, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị trấn Sông Đốc, qua thông tin được cập nhật liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng, người dân đã ý thức chằng néo nhà cửa ngay từ chiều hôm qua và sáng sớm hôm nay. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị phương tiện sơ tán dân, tìm kiếm cứu nạn, dụng cụ y tế, thuốc men, các điểm trú bão… đã được thị trấn thực hiện xong.

Đến 10 giờ 30 phút sáng nay, 1.487/1.449 phương tiện đánh thuỷ sản của trấn đã vào đã vào bờ, đồng thời có 261 phương tiện ở các tỉnh khác cũng vào Sông Đốc neo đậu (với tổng số trên 10.376 thuyền viên). Hiện vẫn còn 349 phương tiện với 2.476 thuyền viên đang đánh bắt trên vùng biển Sông Đốc chưa vào bờ.

Công tác di dời dân cũng hết sức khẩn trương, phần đông người dân đã ý thức tự di dời vào nơi trú bão, một số người có điều kiện hơn thì thuê xe ra thành phố Cà Mau, hoặc đi Thành phố Hồ Chí Minh đến tránh trú nhà người thân. Riêng khóm 6B có 53 nhân khẩu cần phải di dời nhưng đến thời điểm này vẫn còn 23 khẩu chưa chịu di dời. Hiện hàng đáy trên tuyến sông Ông Đốc (Cảng cá) đã giải toả xong.

Tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển hiện có số dân sinh sống ven biển trên khoảng 600 hộ, xã đã vận động được 550 hộ, gần 2.000 khẩu đã vận động sơ tán vào tránh trú an toàn, hiện số hộ dân chằng chống nhà cửa đạt khoảng 80%.

Theo ông Võ Công Trường, Chủ tịch UBND xã Đất Mũi, thông tin: “Hiện trên địa bàn xã còn khoảng 10% hộ dân chưa động thuận để di dời vào các khu vực được bố trí để phòng tránh bão. Xã đang tiếp tục cử cán bộ để vận động tuyên truyền, sau 13 giờ 30 phút trưa 25/12, xã tiến hành cưỡng chế theo quy định. Xã quyết tâm không để bất cứ hộ dân nào sống trong vùng trọng yếu, nhà không đảm bảo chắc chắn ở lại nhà ở”.


Tin mới nhất về bão số 16

Hiện nay, bão số 16 tiếp tục có xu hướng yếu dần; hoàn lưu bão đang gây mưa cho các tỉnh Nam Bộ, tại Côn Đảo đã có gió giật mạnh cấp 7.

Hồi 16 giờ ngày 25/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,4 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13.

Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 150km về phía Tây Bắc, khoảng 80km về phía Đông Nam tính từ vùng tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu thêm, tốc độ di chuyển 15-20km/h, đến 04 giờ ngày 26/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,5 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông, ngay trên phía Tây Côn Đảo và vùng biển từ Trà Vinh đến Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu thêm, tốc độ di chuyển khoảng 20km/h, đến 16 giờ ngày 26/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,7 độ Vĩ Bắc; 103,4 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng biển Cà Mau-Kiên Giang. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.

Từ chiều nay (25/12), vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 12.

Trên đất liền các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 11. Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang có gió cấp 6, giật cấp 8. Trên đất liền các khu vực khác thuộc Nam Bộ có gió giật cấp 7, riêng các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận do kết hợp với không khí lạnh nên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Ven biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau có khả năng nước biển dâng do bão khoảng 0,5 mét, sóng biển cao 3-5 mét.

Từ sáng nay, do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc bão số 16 kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận (bao gồm cả đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 4-6 mét.

Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/h và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 04 giờ ngày 27/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 9,0 độ Vĩ Bắc; 100,8 độ Kinh Đông, cách Thổ Chu khoảng 280km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8, sóng biển cao 3-5 mét. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 80km tính từ vùng tâm áp thấp nhiệt đới.

Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Cảnh báo mưa lớn: Do ảnh hưởng của bão số 16, ở Nam Bộ tiếp tục có mưa to; từ đêm nay ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài 2-3 ngày. Từ đêm 26/12, mưa vừa, mưa to có khả năng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.

Bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và tài sản

Rời Sóc Trăng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ đã tới thị sát công tác ứng phó bão tại tỉnh Bạc Liêu.

Kiểm tra công tác ứng phó bão tại Nhà máy điện gió Bạc Liêu, Phó Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp trước hết phải đảm bảo an toàn cho máy móc thiết bị, vận hành hệ thống... Đồng thời, doanh nghiệp cần nêu cao trách nhiệm hỗ trợ địa phương, giúp đỡ người dân sơ tán khi bão đổ bộ, ổn định đời sống của người dân.

Tiếp đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến kiểm tra công tác ứng phó bão tại khu du lịch Nhà Mát, Bạc Liêu - nơi tập trung rất đông cơ sở du lịch,... Thực hiện chỉ đạo của địa phương, toàn bộ người dân, du khách đã được di tản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Các cơ sở kinh doanh đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động nhằm bảo đảm an toàn. Phó Thủ tướng lưu ý địa phương cần tổ chức lực lượng bảo vệ an toàn về người và tài sản, để người dân không quay lại nhà, yên tâm di chuyển đến nơi tránh trú.


Phó Thủ tướng kiểm tra công tác phòng chống bão tại Nhà máy điện gió Bạc  Liêu. Ảnh VGP/Xuân Tuyến

Phó Thủ tướng kiểm tra công tác ứng phó bão tại khu du lịch Nhà Mát. Ảnh VGP/Xuân Tuyến

Bạc Liêu: Huy động tổng lực ứng phó bão

Theo báo cáo của BCH PCTT&TKCN tỉnh Bạc Liêu, tính đến 18 giờ chiều 24/12, Bạc Liêu đã sơ tán hơn 26.000 dân. Đến 10 giờ ngày 25/12 tiếp tục sơ tán xong hơn 350.000 dân, tương đương hơn 64.000 hộ.

Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương, hộ dân thực hiện các biện pháp bảo vệ hơn 76.000ha nuôi trồng thủy sản; khoảng 80.000ha lúa, lúa - tôm, hoa màu; bảo vệ các tuyến đê, kè, điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở cao.

Chiều 24/12, Bạc Liêu còn 176 tàu với 1.146 thuyền viên đang hoạt động trên biển. Lực lượng chức năng đã cưỡng chế 30 tàu cá chưa chấp hành nghiêm lệnh cấm ra khơi, đồng thời cương quyết và tiếp tục cưỡng chế những hộ dân chưa chịu sơ tán tránh bão.

Ông Bùi Minh Túy, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, cho biết: “Thị trấn Gành Hào là cửa biển lớn của tỉnh, có khả năng bị ảnh hưởng lớn của bão. Nếu sóng biển đánh cao, thì tuyến đê kè Gành Hào và hơn 15.000 người dân ở thị trấn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, huyện đã tiến hành sơ tán người dân”.

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương thông báo tình hình bão số 16 và kêu gọi nhân dân thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) hợp tác với địa phương chấp hành di dời vào nơi tránh trú bão an toàn.

Đoàn công tác do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Quang Dương và Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thành Trung cùng BCH PCTT&TKCN tỉnh đã kiểm tra công tác phòng chống, ứng phó bão số 16 tại cửa biển Gành Hào (huyện Đông Hải) và cửa biển Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) - 2 cửa biển lớn của tỉnh. Qua kiểm tra, các địa phương đã quán triệt, triển khai tốt công tác phòng chống bão, nhất là khâu tuyên truyền, sơ tán dân, chằng néo nhà cửa, bảo vệ diện tích sản xuất, bảo đảm an ninh trật tự, dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm…

Ông Nguyễn Quang Dương, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai phương án di dời, sơ tán dân; chằng néo nhà cửa, bảo vệ diện tích sản xuất, đảm bảo an ninh trật tự, lương thực, chăm sóc sức khỏe, môi trường, dịch bệnh…

Di dời tổng số 1.168.137 người

Theo TTXVN, đến sáng 25/12, lực lượng chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 69.121 phương tiện/343.169 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, trong đó neo đậu tại bến 62.606 tàu/309.079 người; khu vực quần đảo Trường Sa 16 tàu/169 người; hoạt động ở các vùng biển khác 6.498 tàu/33.915 người.

Số tàu xin vào tránh trú bão tại Malaysia và Thái Lan là 216 tàu/1.504 người.

Các địa phương đã thông báo cho 4.096 lồng, bè nuôi trồng thủy sản/7.534 người gồm Bà Rịa - Vũng Tàu 357 lồng, bè/1.076 lao động; Ninh Thuận 831 lồng, bè/230 lao động; Khánh Hòa 2.077 bè/6.220 lao động; Bình Thuận 831 lồng/8 lao động.

15/19 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch di dời tổng số 1.168.137 người. 10/15 tỉnh đã tổ chức di dời, trong đó 8 tỉnh đã di dời được 74.259 người gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Dương, Cà Mau, Hậu Giang. 5 tỉnh chưa tổ chức di dời gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp.

7/19 tỉnh, thành phố đã thực hiện chằng chống nhà cửa với tổng số: 43.649/404.667 nhà gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long.

Clip: Tàu thuyền hối hả vào nơi tránh trú. 
Bám sát địa bàn, sơ tán triệt để

Sáng 25/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Trung ương kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Tại đây, Phó Thủ tướng đã đi ca nô ra khu vực cửa biển để thị sát công tác kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu vào nơi trú ẩn an toàn; đồng thời chỉ đạo, động viên các lực lượng tham gia phòng chống bão,...

Phó Thủ tướng đề nghị địa phương tiếp tục khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú, hướng dẫn ngư dân neo đậu an toàn; di rời người dân khỏi khu vực nguy hiểm về nơi tránh trú, không được để tàu thuyền trên biển...

Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Lãnh đạo cơ sở phải bám sát địa bàn, sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ, sơ tán triệt để, không được để người dân ở trên tàu thuyền, lồng bè, nhà cửa yếu và những khu vực nguy hiểm... Tập trung, triển khai cấp bách các giải pháp bảo đảm an toàn nhà cửa, công trình trường học, bệnh viện, trạm xá, trường mầm non... Khi bão đổ bộ, phải nắm thật chắc tình hình những khu vực nguy hiểm để kịp thời ứng phó; đồng thời tiếp tục khuyến cáo bà con không được ra ngoài; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai ngay các giải pháp xử lý tình huống cấp bách và triển khai công tác khắc phục hậu quả, giúp dân ổn định đời sống, sản xuất sau khi cơn bão đi qua...

Rời cảng cá Trần Đề, Phó Thủ tướng đến thăm bà con sơ tán tại Trường tiểu học Vĩnh Hải 2, huyện Trần Đề. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra nơi ăn, chốn ở, công tác bảo đảm nhu yếu phẩm cho bà con tại nơi sơ tán.

Phó Thủ tướng động viên bà con bình tĩnh, yên tâm ở lại nơi sơ tán để đảm bảo an toàn tính mạng. Đồng thời, bà con cũng không được chủ quan đi ra ngoài trời khi bão đổ bộ, vì lúc này rất nguy hiểm (cây đổ, tấm tôn bay, dây điện đứt...). Ông cho biết là đã yêu cầu chính quyền địa phương huy động lực lượng để đảm bảo an toàn nhà cửa tài sản của người dân, để bà con yên tâm ở lại nơi tránh trú.


Phó Thủ tướng đi ca nô thị sát, đôn đốc công tác ứng phó bão số 16 tại cửa biển, huyện Trần Đề, Sóc Trăng. Ảnh VGP/ Xuân Tuyến

Toàn bộ 1.198 tàu thuyền, trong đó có 350 tàu đánh bắt xa bờ của Sóc Trăng đã kết nối được liên lạc và vào các khu vực trú ẩn an toàn như Côn Đảo – Vũng Tàu, những tàu đánh bắt gần bờ  vào khu vực Mỏ Ó, Bãi Giá, cảng cá Trần Đề trú ẩn. Tại các điểm neo đậu, tàu được đưa vào các con kênh, sau đó rút nước ra để bảo đảm an toàn. Ảnh VGP/Xuân Tuyến


Phó Thủ tướng yêu cầu bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Ảnh VGP/Xuân Tuyến


Đến thăm bà con sơ tán tại Trường tiểu học Vĩnh Hải 2, huyện Trần Đề, Phó Thủ tướng đã kiểm tra nơi ăn, chốn ở, công tác dự trữ thực phẩm, nước uống, thuốc men... Phó Thủ tướng động viên bà con yên tâm ở lại nơi sơ tán để đảm bảo an toàn tính mạng. Ông cho biết là đã yêu cầu chính quyền địa phương huy động lực lượng để đảm bảo an toàn cho nhà cửa tài sản để bà còn yên tâm ở lại nơi tránh trú. Ảnh VGP/Xuân Tuyến

Sóc Trăng: Tập trung toàn diện ứng phó bão

Trao đổi nhanh với PV Báo điện tử Chính phủ (qua điện thoại) Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện cho biết, hiện (9.40' ngày 25/12) ông đang trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó bão tại cảng cá Trần Đề.

Trước đó, tại phiên họp chỉ đạo ứng phó bão, Chủ tịch Sóc Trăng cho biết: Tại các điểm xung yếu, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt công tác ứng phó với bão số 16 (Tembin). Hiện nay, công tác sẵn sàng ứng cứu phải được coi là nhiệm vụ số một của các lực lượng chức năng.

Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, chiều qua, tỉnh đã chỉ đạo di dời dân ngoài tuyến đê biển vào nơi trú, tránh bão đã được bố trí; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các hộ dân chấp hành nghiêm việc di dời; chăm lo cuộc sống cho người dân tại nơi trú tránh bão; đảm bảo vệ sinh, môi trường, nước sạch và an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho học sinh, học viên, sinh viên, giáo viên và cơ sở vật chất của các trường trên địa bàn tỉnh đã cho học sinh, học viên, sinh viên nghỉ học 2 ngày (ngày 25 và 26/12. Trong những ngày nghỉ này, thủ trưởng các đơn vị phải phân công người trực 24/24 tại cơ quan, đơn vị và thực hiện đúng nội dung chỉ đạo của lãnh đạo.

Tỉnh Sóc Trăng cũng đã ban hành văn bản số 2487, chỉ đạo các sở ngành, địa phương khẩn trương ứng phó bão với tinh thần tránh chủ quan, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.


Để công tác phòng chống thiên tai đạt hiệu quả cao, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng trách nhiệm của người dân; lực lượng cứu hộ tại chỗ là quyết định nhưng cũng cần phải có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang cũng như các địa phương trên địa bàn. 

Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu nhấn mạnh, hiện các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở cần phải tập trung toàn diện cho công tác ứng phó với bão số 16 (Tembin); không chủ quan, lơ là; làm phải quyết liệt, hết sức mình.

Bí thư Sóc Trăng yêu cầu tập trung di dời dân, khi di dời thì cần phải bảo vệ người dân và tài sản của bà con; chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cứu hộ; công tác hậu cần, y tế… tránh thiệt hại đến mức thấp nhất.

Ngày 24/12, đại tá Trần Ngọc Diệp - Phó Tham mưu trưởng Quân khu 9 và lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP Sóc Trăng đã kiểm tra tình hình ứng phó bão Tembin tại các huyện, thị xã ven biển tỉnh Sóc Trăng.

Tại buổi kiểm tra, đoàn đã nghe báo cáo tình hình ứng phó bão, phương án, khu vực cần di dời khi có bão đổ bộ. Theo đó, TX. Vĩnh Châu dự kiến di dời trên 12.000 người khu vực nguy hiểm thuộc các xã: Lai Hòa, Vĩnh Tân, Lạc Hòa, Vĩnh Hải và phường Vĩnh Phước, Phường 1, Phường 2; huyện Cù Lao Dung dự kiến di dời 5.535 người ở các xã: An Thạnh 1, An Thạnh 2, An Thạnh 3, An Thạnh Nam, Đại Ân 1 và thị trấn Cù Lao Dung; Huyện Trần Đề dự kiến di dời 3.063 dân thuộc các xã: Đại Ân 2, Trung Bình và thị trấn Trần Đề; huyện Kế Sách dự kiến di dời 3.036 dân thuộc các xã: Phong Nẫm, An Lạc Thôn, An Lạc Tây, Nhơn Mỹ, An Mỹ; huyện Long Phú dự kiến di dời dân ở các xã: Song Phụng, Long Đức và thị trấn Đại Ngãi với khoảng 2.551 dân.

Đồng thời, đoàn cũng kiểm tra thành phần, lực lượng, trang thiết bị cần thiết để ứng phó với bão. Cụ thể, những địa bàn xung yếu đã huy động khoảng 2.000 người là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ sẵn sàng thực hiện các biện pháp di dời nhân dân đến các khu vực an toàn.

Đại tá Trần Ngọc Diệp yêu cầu Bộ CHQS tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tăng cường các kíp trực cứu hộ, cứu nạn, giữ vững thông tin liên lạc thông suốt, sẵn sàng lực lượng ứng cứu giao thông, cấp phát lương thực, thực phẩm, vận chuyển, cứu chữa nạn nhân và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn khi có bão đổ bộ vào. Theo dõi, cập nhật thông tin và nắm chắc diễn biến tình hình bão nhằm bảo đảm an toàn về người và phương tiện tham gia ứng phó. Phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống bất ngờ xảy ra.

Cà Mau: Trắng đêm gồng mình ứng phó bão

Tính đến 21 giờ ngày 24/12, tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Sông Đốc (Cà Mau), đơn vị đã kêu gọi được 1.360 phương tiện/9.419 người vào bờ neo đậu an toàn. Hiện còn 476 phương tiện đang trên đường vào các cửa biển gần nhất để tránh trú.

Tại đảo Hòn Chuối, Đồn Biên phòng đã giúp bà con cư dân chằng néo nhà cửa, di dời tài sản có giá trị lên vị trí an toàn; tổ chức dời bè cá lồng và bao lưới chống sóng để cá không thoát ra ngoài. Khi có gió mạnh và sóng lớn, Đồn Biên phòng Hòn Chuối sẽ di dời cư dân lên đồn tránh trú.

Hiện lực lượng Bộ đội Biên phòng Cà Mau đang khẩn trương phối hợp với các địa phương tiếp tục kêu gọi số phương tiện còn lại trên biển nhanh chóng vào bờ tránh bão; hỗ trợ những gia đình chính sách, gia đình neo đơn chằng chống nhà cửa và di dời dân ở các khu vực xung yếu vào nơi toàn. Tổ chức lực lượng phối hợp với công an tuần tra bảo vệ địa bàn, bảo vệ tài sản Nhân dân. 

Đồn Biên phòng Sông Đốc duy trì 2 tổ công tác cơ động suốt đêm trên sông để nhắc nhở ngư dân neo đậu đúng nới quy định và ra cửa biển kêu gọi những chủ phương tiện còn neo ngoài cửa nhanh chóng vào bờ.

Trong ngày 24/12, Cà Mau đã tập trung tăng cường tuyên truyền thông tin di chuyển của bão và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương, địa phương. Hướng dẫn Nhân dân chằng chống nhà, đặc biệt tại các khu dân cư ven biển, trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ vật liệu để thực hiện. Kiên quyết yêu cầu tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn. Di dời những tài sản có giá trị, người già, trẻ em đến nơi an toàn ở một số vùng xung yếu. Cho học sinh nghỉ học, các nhà máy xí nghiệp cho công nhân nghỉ làm việc từ ngày 25 đến hết ngày 26/12. Yêu cầu dừng ngay các cuộc họp không cần thiết để tập trung công tác phòng, chống bão.

Trong sáng 25/12 Cà Mau tiếp tục tập trung di dời người già, người bệnh, trẻ em đến nơi an toàn. Di dời hết dân ở cụm dân cư phía đông và khu vực Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân). Phải thực hiện quyết liệt, ai không di dời thì có biện pháp cưỡng chế. Khi di dời dân thì lực lượng bộ đội, công an phải có kế hoạch bảo vệ an toàn.

Tàu bè đã vào bờ mà neo đậu không đúng nơi đã hướng dẫn thì yêu cầu đến đậu nơi theo quy định. Yêu cầu ngư dân không ở lại trên tàu. Việc chằng chống nhà cửa tiếp tục làm quyết liệt, ai không thực hiện thì phải lập biên bản và cưỡng chế thực hiện. Lực lượng y tế trên tinh thần sẵn sàng tham gia ứng cứu, cơ sở y tế chuẩn bị hóa chất đầy đủ, đảm bảo an vệ sinh toàn thực phẩm, phòng chống dịch. Sở Công thương đảm bảo quản lý giá cả, lương thực, tránh tình trạng tăng giá do khan hiếm hàng…

Lực lượng Biên phòng Rạch Gốc kêu gọi tàu thuyền và người dân thực hiện các biện pháp an toàn phòng tránh bão. Ảnh báo Cà Mau

Thủ tướng chỉ đạo tập trung quyết liệt ứng phó bão

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan chủ động đối phó với bão số 16. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tập trung quyết liệt thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách sau:

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng:

- Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, diễn biến của bão, tiếp tục kiểm đếm tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển; không để tàu thuyền ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để hướng dẫn di chuyển hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.

- Rà soát các phương án đảm bảo an toàn cho người trên đảo, nhà giàn, giàn khoan dầu khí, các hoạt động khai thác trên biển, ven biển, trên cù lao đang có nguy cơ sạt lở mạnh, vùng thấp trũng do ảnh hưởng của triều cường. Kiên quyết sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm không đảm bảo an toàn; trong đó đặc biệt đối với huyện đảo, xã đảo như Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu),…

- Kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến (kể cả các tàu vận tải; tàu vãng lai trên sông, trên biển; các bến phà,…), khu vực neo đậu quanh các đảo, khu lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản trên biển và đất liền nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

- Tổng rà soát các phương án, kịch bản ứng phó. Đặc biệt cần tăng cường trang thiết bị, nguồn lực để kịp thời chỉ đạo điều hành được thông suốt trong các tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó hiệu quả với bão.

- Kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập, các trọng điểm sạt lở bờ sông, bờ biển xung yếu, các công trình đang thi công, chống ngập đô thị do ảnh hưởng của nước dâng, triều cường và gió mạnh.

- Kiểm tra, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, kho tàng, hệ thống lưới điện, thông tin, cơ sở dịch vụ du lịch, chặt tỉa cành cây và các công trình công cộng, dân sinh khác để đảm bảo an toàn.

- Khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu, thủy sản theo phương châm xanh nhà hơn già đồng.

- Phân công các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN trực tiếp đến địa bàn xung yếu để kiểm tra, rà soát phương án ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”; đặc biệt cần tăng cường các hình thức thông tin truyền thông ứng phó với bão đến cộng đồng;

2. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo rà soát phương án, sẵn sàng bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu để thực hiện việc sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn đê điều, công trình thuỷ lợi; hướng dẫn, kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền, gia cố khu nuôi trồng thuỷ sản, thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.

4. Bộ Công Thương chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện; chuẩn bị dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phù hợp để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu.

5. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo sẵn sàng biện pháp bảo đảm giao thông trên các tuyến giao thông chính; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở do mưa lũ để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, tăng dày các bản tin dự báo, cảnh báo, cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời truyền tải đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.

7. Bộ Ngoại giao có công hàm gửi Đại sứ quán các nước trong khu vực đề nghị giúp đỡ các ngư dân, tàu cá Việt Nam vào tránh trú bão và đảm bảo an toàn.

8. Các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ lên kế hoạch cụ thể phối hợp với chính quyền địa phương tổng rà soát các phương án cụ thể để chủ động xử lý trong các tình huống trước, trong và sau bão; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

9. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí nhất là các đài phường, xã tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão và phổ biến các kỹ năng ứng phó để người dân biết chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại nhất là các vùng trên đảo, trên sông, trên biển, ven biển, khu nuôi trồng thủy sản, vùng sâu, vùng xa.

10. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa bão, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp ứng phó; chủ động thành lập các đoàn công tác liên ngành trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với địa phương xử lý trong các tình huống cấp bách; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời những vấn đề vượt thẩm quyền./.

Trần Mạnh – Xuân Tuyến