Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cụ thể các phường: Hóa An, Tân Hạnh, Tân Hòa, Tân Biên, Hố Nai và một phần phường Phước Tân (khu phố Hương Phước, khu phố Vườn Dừa và một phần khu phố Miễu).
Vùng cách ly, gồm 55.037 hộ dân với 255.497 nhân khẩu. Thời gian thực hiện cách ly y tế là 14 ngày kể từ 00 giờ 00 phút ngày 11 tháng 7 năm 2021.
Ban Chỉ đạo yêu cầu Sở Y tế Đồng Nai chủ trì, hướng dẫn UBND TP. Biên Hòa triển khai khẩn cấp các biện pháp cụ thể phòng chống dịch phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xây dựng phương án điều động nhân lực từ Công an, Ban Chỉ huy quân sự các xã lân cận để hỗ trợ UBND thành phố Biên Hòa trong việc đảm bảo tuyệt đối an ninh trật tự, kiểm soát, cách ly, phục vụ tốt cho công tác phòng, chống dịch.
Sở Tài chính Đồng Nai tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ kinh phí để UBND TP. Biên Hòa triển khai công tác phòng, chống dịch. Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động phối hợp, hướng dẫn UBND thành phố Biên Hòa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, đúng quy định.
Ủy ban nhân dân TP. Biên Hòa chủ động làm việc với các Sở, ngành liên quan khẩn trương xây dựng, triển khai phương án cách ly tạm thời khu vực cách ly y tế, đảm bảo khoanh vùng, khống chế, kiểm soát kịp thời dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng.
Chỉ đạo Phòng Y tế, Trung tâm Y tế thành phố Biên Hòa, UBND phường: Hóa An, Tân Hạnh, Tân Hòa, Tân Biên, Hố Nai, Phước Tân thường xuyên theo dõi diễn biến sức khỏe nhân dân trong khu vực cách ly y tế.
Báo cáo thường xuyên, kịp thời với UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, Sở Y tế những diễn biến bất thường về sức khỏe nhân dân, nhất là những diễn biến liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Phối hợp Sở Công Thương, các đơn vị kinh doanh vận tải, thực phẩm để có kế hoạch vận chuyển, cung cấp hàng hóa, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, kịp thời phục vụ nhân dân.
Lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát giải thích, hướng dẫn cho người ra, vào vùng phong tỏa. |
Triển khai quyết định của tỉnh, việc vào, ra vùng cách ly y tế tại 5 phường và 1 phần P.Phước Tân của TP. Biên Hòa trong ngày 11/7 đều được thực hiện nghiêm chỉnh. Rất nhiều người dân, phương tiện vận tải không được vào khu vực cách ly và buộc phải quay đầu vì không có lý do chính đáng.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 lây lan ở các chợ, tối 10/7 UBND TP Biên Hòa đã yêu cầu lập thêm chốt kiểm soát ở tất cả phường, xã trên toàn thành phố nhằm giám sát việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 đồng thời kiểm soát chặt người ra, vào ở 6 phường có lệnh phong tỏa từ 0 giờ ngày 11/7.
Việc lập thêm chốt ở những địa bàn chưa phong tỏa để kiểm tra mục đích đi lại của người dân trong thời gian đã có chỉ đạo giãn cách xã hội.
Nếu người dân ra đường không phải đi mua các loại hàng hóa hoặc có nhu cầu thiết yếu thì sẽ bị lực lượng kiểm soát nhắc nhở hoặc xử lý theo quy định.
Thành phố Biên Hòa khuyến cáo người dân cần tuân thủ nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn ấp cách ly với thôn ấp, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh.
Đối với việc ra, vào các vùng phong tỏa ở các phường: Hóa An, Tân Hạnh, Tân Hòa, Tân Biên, Hố Nai và một phần P.Phước Tân (thuộc KP. Hương Phước, KP. Vườn Dừa và một phần KP. Miễu) trên địa bàn TP. Biên Hòa sẽ được kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định. Những trường hợp không chấp hành sẽ bị xử phạt, do đó người dân cần hợp tác và tuân thủ các hướng dẫn của lực lượng chức năng tại chốt.
Những trường hợp được tạo điều kiện để vào, ra các địa phương đang thực hiện cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19 gồm: Lực lượng thực thi công vụ; đi kiểm tra, xử lý phòng, chống dịch; thực hiện nhiệm vụ cấp bách. Những trường hợp không nằm trong diện này muốn ra, vào phải được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chấp nhận và xác nhận bằng văn bản.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, ngày mai (12/7) khi người dân, công nhân quay lại nơi làm việc, áp lực ra, vào các chốt kiểm soát giao thông sẽ tăng lên. Việc kiểm soát chặt có thể sẽ dẫn đến ùn tắc giao thông cục bộ trong giờ cao điểm. Các phương tiện giao thông đi qua chốt, địa bàn đang phong tỏa cần cân nhắc để lựa chọn lộ trình phù hợp.
Các y bác sĩ của Trung tâm y tế huyện Thống Nhất đang làm tets nhanh COVID-19 cho 320 người tại Chợ đầu mối Dầu Giây vào đêm 10/7. |
Tạm ngưng hoạt động chợ đầu mối Dầu Giây
Ngày 11/7, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Thống Nhất đã ra quyết định tạm ngưng hoạt động Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây kế từ 7 giờ 00 ngày 11/7 cho đến khi có thông báo mới, vì có liên quan đến một tiểu thương dương tính COVID-19 qua 2 lần test nhanh tại Trung tâm y tế huyện Thống Nhất.
Theo đó, vào lúc 15 giờ 45 phút, ngày 10/7, Trung tâm y tế huyện Thống Nhất thực hiện test nhanh cho 3 trường hợp là tiểu thương từ Đức Hòa (tỉnh Long An), đến mua rau tại chợ đầu mối Dầu Giây. Kết quả, bà Ng.T.T.Tr., sinh năm 1976 có kết quả dương tính với Covid-19 qua 2 lần test nhanh.
Bà Tr. sau đó được tạm thời cách ly tại khu cách ly điều trị COVID-19 của Trung tâm Y tế huyện, lấy mẫu gửi lên Bệnh viện đa khoa Đồng Nai làm xét nghiệm PCR.
Trước đó, vào khoảng 15 giờ chiều cùng ngày, chị Tr. và hai người đi cùng đã vào chợ đầu mối để mua rau, chuẩn bị mang về tỉnh Long An để bán.
Ngay trong chiều và đêm 10/7, Trung tâm y tế huyện Thống Nhất phối hợp với Ban quản lý chợ đầu mối Dầu Giây tiến hành khoanh vùng, truy vết các đối tượng có liên quan, đồng thời tiến hành làm test nhanh cho 320 người là các tiểu thương , tài xế, cán bộ, nhân viên của chợ và lực lượng công an làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng chống COVID-19. Kết quả, qua test nhanh, tất cả đều âm tính.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai kiểm tra Bệnh viện dã chiến số 2. |
Đưa BV dã chiến 380 giường vào hoạt động
Sáng 11/7, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai Hồ Thanh Sơn; Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang và lãnh đạo Sở Y tế đã đi kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất và các vấn đề liên quan đến công tác điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 2 của tỉnh Đồng Nai, đặt tại ký túc xá cơ sở 3 Trường đại học Lạc Hồng (P. Bửu Long, TP. Biên Hòa).
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, sau 2 ngày tích cực chuẩn bị, Bệnh viện dã chiến số 2 cơ bản đã hoàn thành các hạng mục chính. Từ chiều 11/7, Bệnh viện dã chiến số 2 sẽ bắt đầu nhận bệnh nhân COVID-19 với sức chứa tối đa 380 bệnh nhân.
Tại đây sẽ tiếp nhận những bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng hoặc bệnh nhẹ để chăm sóc, điều trị. Nếu bệnh nhân chuyển nặng, sẽ được chở đến các bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 như: Bệnh viện Phổi Đồng Nai, các khoa Hồi sức của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.
Trong ngày 11/7, các lực lượng chức năng tiếp tục đi khảo sát và sẽ triển khai thêm Bệnh viện dã chiến số 3 tại cơ sở 2, Trường đại học Mở TP.HCM (đóng tại P. Long Bình Tân, TP. Biên Hòa) với công suất dự kiến 550 giường, có thể nâng lên 650-700 giường khi cần thiết.
Khi Bệnh viện dã chiến số 3 đi vào hoạt động, sẽ năng tổng công suất điều trị bệnh nhân COVID-19 của tỉnh lên 1,5 ngàn giường. Nếu số bệnh nhân COVID-19 vượt quá 1,5 ngàn người, ngành Y tế sẽ mở thêm một số bệnh viện dã chiến khác, trưng dụng một số trung tâm y tế như: Trung tâm Y tế huyện Tân Phú (100 giường) để điều trị cho bệnh nhân ở khu vực: Tân Phú, Định Quán.
Trường hợp dịch bùng phát hơn nữa sẽ tính đến phương án thay đổi chiến lược điều trị như: cách ly điều trị những ca F0 không có triệu chứng ở nhà, hoặc tận dụng những khoảng không gian lớn như: sân vận động, nhà thể thao để làm bệnh viện dã chiến theo mô hình như ở Bắc Giang, Bắc Ninh.
Lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai mong muốn người dân nâng cao ý thức tự giác, thực hiện nghiêm Chỉ thị 15 của tỉnh về cách ly xã hội, tuân thủ 5K, chủ động khai báo y tế để kịp thời phát hiện và xử lý sớm ca bệnh. Bởi, nếu dịch bệnh bùng phát trên diện rộng sẽ gây rất nhiều khó khăn cho không chỉ riêng ngành y tế mà còn cho toàn xã hội.
Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Đặng Hà Hữu Phước cho hay, trước mắt, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai sẽ hỗ trợ bệnh viện dã chiến số 2 về các trang thiết bị, máy móc, thuốc men phục vụ điều trị. Về nhân lực, dự kiến 1 ê kíp điều trị sẽ gồm 5 bác sĩ, 10 điều dưỡng, tối thiểu 5 dân quân tự vệ để đảm bảo công tác điều trị, an ninh trật tự và cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết.
Qua kiểm tra thực tế tại Bệnh viện dã chiến số 2, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của ngành Y tế và các lực lượng liên quan. Đồng thời, đề nghị Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, báo cáo để Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh có hướng hỗ trợ giải quyết.
Về nhân lực phục vụ tại bệnh viện dã chiến, lãnh đạo tỉnh sẽ huy động thêm nhân lực và các trang thiết bị từ các bệnh viện tư nhân để cùng hệ thống công lập thực hiện tốt nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng lưu ý ngành y tế và các lực lượng chức năng cần đảm bảo tốt công tác thu dung, điều trị, không để lây nhiễm chéo trong khu điều trị và lây nhiễm chéo ra cộng đồng, đảm bảo sức khỏe cho người dân./.