Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tháng 5/2016, Công ty Tùng Lâm đã xả thải trực tiếp ra môi trường khiến tôm, cá trong đập Hố Trình bị chết hàng loạt. Không khí, đất bị ô nhiễm; người dân bị mắc nhiều bệnh. Các giếng nước không sử dụng được. Khi công ty thực hiện xả van lại gây tiếng ồn rất lớn.
Các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương và yêu cầu Công ty có biện pháp khắc phục, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được giải quyết.
Ngày 3/8/2016, ông Bảy đã gửi phản ánh đến Cổng TTĐT Chính phủ đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, sớm có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm để bảo đảm an toàn cho cuộc sống của người dân.
Vấn đề ông Võ Bảy phản ánh, UBND tỉnh Quảng Nam trả lời như sau:
Trước hết, UBND tỉnh hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của ông Bảy, ông Bảy đã thực hiện tốt vai trò công dân của mình trong hoạt động giám sát và phản ánh vấn đề ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất tại địa phương đến cơ quan các cấp. Đây là thông tin hữu ích để các cơ quan Nhà nước thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao.
Về tình hình hoạt động của Nhà máy cồn Ethanol, Nhà máy sản xuất cồn Ethanol trước đây do Công ty cổ phần Đồng Xanh làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định 1498/QĐ-UBND ngày 17/5/2007 và Quyết định số 3483/QĐ-UBND ngày 26/10/2010 về việc phê duyệt điều chỉnh một số nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến tháng 3/2015 Nhà máy cồn ngừng hoạt động sản xuất do thua lỗ.
Từ tháng 3/2015 đến nay, Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm tiếp nhận Nhà máy cồn, khi đó Nhà máy đã xuống cấp nghiêm trọng, hồ sơ môi trường trước đây Công ty cổ phần Đồng Xanh không bàn giao lại cho Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm.
Bước đầu thực hiện, Công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc cải tạo lại toàn bộ Nhà máy (trong đó có việc cải tạo lại các công trình bảo vệ môi trường). Trong quá trình vận hành thử nghiệm (Công ty chạy thử nghiệm lần 1 vào tháng 1/2016 trong khoảng 10 ngày; thử nghiệm lần 2 tháng 5/2016 trong khoảng 35 ngày), đã phát sinh nước thải, chất thải rắn (nạo vét hồ), tiếng ồn gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.
Trước thực trạng đó, để hướng dẫn Công ty vừa cải tạo Nhà máy nhưng vừa thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu đến mức thấp nhất về ô nhiễm môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành chức năng của tỉnh, UBND huyện Đại Lộc và các ngành chức năng của huyện đã tổ chức rất nhiều đợt kiểm tra, giám sát quá trình cải tạo Nhà máy, vận hành thử nghiệm Nhà máy. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn Công ty hoàn chỉnh các thủ tục hồ sơ môi trường tại Công văn số 1255/STNMT-BVMT ngày 6/9/2016.
Như vậy, xét thấy các ngành chức năng của tỉnh và huyện đã vào cuộc quyết liệt trong vấn đề kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường từ khi Công ty tiếp nhận cải tạo, vận hành thử nghiệm lại Nhà máy sản xuất cồn Ethanol.
Đến nay, cơ bản Công ty đã chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan.
Thời gian tới, UBND tỉnh cùng các ngành chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi tình hình hoạt động của Nhà máy cũng như hướng dẫn Công ty thực hiện hoàn chỉnh các thủ tục hồ sơ về môi trường, các biện pháp xử lý nước thải, khí thải, chất thải bảo đảm quy chuẩn Việt Nam trước khi thải ra môi trường.