Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sáng 15/10, ông Trương Xuân Tý, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho hay, các ngày qua trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa từ 19h ngày 13/10 đến 17h ngày 14/10, phổ biến từ 90-200 mm, có nơi mưa lớn hơn.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, từ ngày 15 đến 16/10, các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, đến mưa rất to. Tổng lượng mưa các địa phương vùng núi phía Bắc phổ biến từ 150-250 mm, có nơi trên 350 mm; các địa phương vùng đồng bằng ven biển và vùng núi phía Nam phổ biến từ 200-400 mm, có nơi trên 500 mm.
Cảnh bảo từ chiều 16/10 đến hết ngày 17/10, các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mưa lớn gây ra nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, sông, suối nhỏ; gây ngập úng tại các vùng thấp trũng, nơi tập trung đông dân cư.
Từ nay đến ngày 17/10, các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên ở thượng lưu đạt từ 4-7 m, hạ lưu đạt từ 1-3 m. Đỉnh lũ trên sông Vu Gia ở mức báo động 2 đến trên báo động 3; trên sông Thu Bồn ở mức báo động 2 đến trên báo động 2.
Để chủ động triển khai ứng phó với mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các địa phương tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Tổ chức rà soát, kiểm tra và có biện pháp cảnh báo, ứng phó đảm bảo an toàn về người và tài sản đối với các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy. Danh sách các xã đã được ban hành kèm theo các bản tin cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.
Vị trí các điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở chủ yếu tập trung vào các huyện miền núi: Nam Trà My, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, Nông Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước (danh sách vị trí cụ thể được tổng hợp từ sản phẩm hiện trạng sạt lở đất đá thuộc đề án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam" - khu vực tỉnh Quảng Nam do Viện Khoa học địa chất và khoáng sản chuyển giao).
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo báo cáo số liệu sơ tán dân theo phần mềm ứng dụng hỗ trợ việc điều hành, quản lý, ứng phó trong công tác sơ tán dân để phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh (địa chỉ: http://sotandanquangnam.vn).
Thế Phong