• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình ứng phó bão số 1

(Chinhphu.vn) - Lãnh đạo các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình tiếp tục chỉ đạo các địa phương ứng phó khẩn cấp với bão nhằm hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.

24/06/2015 12:31

Cơ quan chức năng thực hiện việc cấm các phương tiện thô sơ , xe máy và người đi bộ lưu thông trên cầu Bãi Cháy để bảo đảm an toàn khi có bão. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Theo dự báo của Trung tâm KTTV Trung ương, khoảng 13h- 15h chiều nay 24/6 tâm bão số 1 có khả năng đổ bộ trực tiếp vào TX Quảng Yên, TP Hạ Long và một số địa phương sẽ chịu ảnh hưởng mạnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long vừa yêu cầu các địa phương quyết liệt triển khai, rà soát kỹ các phương án phòng chống bão.

Với TX Quảng Yên, địa bàn có khả năng chịu tác động trực tiếp của bão số 1, Chủ tịch UBND tỉnh đã cử ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão từ trưa 24/6.

Trước đó, tính đến 8h00 sáng nay (24/6), bão số 1 đã tiến sát địa phận tỉnh Quảng Ninh và đang tác động trực tiếp đến các địa phương khu vực ven biển từ Cô Tô đến Quảng Yên.

Theo đó, hiện tại các địa phương như Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái, Quảng Yên...  đang có gió mạnh từ cấp 6 đến cấp 8, kèm theo mưa vừa, mưa to.

Tại huyện Cô Tô, sức gió trên địa bàn huyện đảo cấp 7, giật cấp 8, thỉnh thoảng có kèm những đợt mưa vừa. Do chủ động các phương án phòng, chống nên đến thời điểm này trên toàn huyện đảo đều an toàn, số khách du lịch bị mắc kẹt trên đảo được đảm bảo các điều kiện phục vụ tốt.

Ở TP Hạ Long có gió mạnh cấp 7, trời có mưa vừa, có lúc mưa to. Trên địa bàn thành phố chưa xảy ra tình huống xấu, toàn bộ tàu thuyền khai thác thủy sản, tàu du lịch đều đã được đưa về nơi tránh trú bão an toàn; các công trình xây dựng đã tạm ngừng hoạt động, phương tiện, máy móc được chằng buộc cẩn thận. Tại Cảng Cái Lân và Cảng Quảng Ninh các phương tiện như cần cẩu, tàu chở hàng hóa đều đã được kiểm tra rất kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn; khách du lịch còn ở trong các khách sạn trên địa bàn được đảm bảo phục vụ tốt.

Tính đến 8h00', ngày 24/6, trên địa bàn thị xã Quảng Yên vẫn an toàn, sức gió trên địa bàn cấp 6, thỉnh thoảng có kèm những đợt mưa vừa.

TP Móng Cái đã tổ chức các lực lượng đảm bảo an toàn cho các cầu tàu, bến cảng; tuyên truyền nhân dân chằng chống nhà cửa, sẵn sàng phương án sơ tán dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Để phòng tránh bão số 1, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ động thực hiện các phương án phòng, chống bão, phương án sơ tán nhân dân ở các khu vực ven sông, ven biển, các khu nhà cũ xuống cấp xung yếu, khu du lịch biển. Khẩn trương thu hoạch lúa và rau màu đến kỳ thu hoạch.

Tổ chức kiểm tra và thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, công trình đang thi công (đặc biệt là công trình cầu Đình Vũ-Cát Hải, cảng Lạch Huyện), cầu tàu, bến cảng, kho tàng, tàu vận tải, tàu du lịch, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, công trình giao thông, công trình công cộng, hệ thống truyền tải điện, hệ thống thông tin liên lạc, khu vực khai thác khoáng sản, các khu nuôi trồng thủy sản, trang trại chăn nuôi.

Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Tại tỉnh Thái Bình, ông Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão số 1 tại huyện Tiền Hải.

Đến 9 giờ sáng ngày 24/6, huyện Tiền Hải đã có 664/685 tàu, thuyền với hơn 1.400 lao động đã vào các điểm neo đậu an toàn; 21 phương tiện với 51 lao động đã vào nơi tránh trú bão ở tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng. Toàn huyện có hơn 1.300 chòi canh ngao với trên 1.500 lao động đã được tuyên truyền, vận động di dời vào trong đê quốc gia.

Tuy nhiên, hiện nay việc tiếp cận các chòi canh ngao đang hết sức khó khăn do mực nước thủy triều thấp.

Trước tình hình đó, ông Phạm Văn Sinh yêu cầu lãnh đạo huyện Tiền Hải phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các xã ven biển rà soát, tổng hợp số lượng lao động trên các chòi canh ngao, lao động lưu động trên biển, tìm mọi biện pháp tiếp cận để tuyên truyền, vận động người dân vào nơi tránh trú an toàn, trường hợp cố tình chống đối phải tiến hành cưỡng chế di dời ngay, tuyệt đối không để người dân nào còn ở lại trên biển trước 10 giờ sáng ngày 24/6.

---------------------------------------------------

Theo Trung tâm DBKTTV Trung ương, hồi 11 giờ ngày 24/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Quảng Ninh-Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (tức là khoảng từ 60 đến 90km một giờ), giật cấp 11-12.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km, đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 24/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, trên đất liền Quảng Ninh-Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là khoảng từ 40 đến 50km một giờ), giật cấp 7-8.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12. Sóng biển cao từ 3-5m. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Khu vực ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11; các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ có gió giật cấp 6-8. Vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng có sóng biển cao từ 2-4m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.


Hướng di chuyển của bão. Ảnh: Trung tâm DBKTTV Trung ương

-----------------------------------------------------------------------------
Chủ động ứng phó với bão, tại Quảng Ninh, tất cả các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đến các địa phương chỉ đạo phòng tránh bão.

Tối 23/6, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vũ Hồng Thanh đã đến kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão tại TP. Uông Bí và thị xã Quảng Yên.

Thực hiện công điện của Chủ tịch UBND tỉnh, TP. Uông Bí và thị xã Quảng Yên đã thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua hệ thống loa phát thanh của các xã, phường để người dân được biết thông tin và có phương án đối phó với bão số 1.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của 2 địa phương đã thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, sẵn sàng các phương án chủ động xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Cùng với đó là chuẩn bị lực lượng, phương tiện cứu hộ, tổ chức trực ban nghiêm túc; yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xuống cơ sở để cùng chỉ đạo, rà soát lại những vị trí xung yếu…

Đến 20 giờ ngày 23/6, toàn bộ tàu, thuyền của 2 địa phương với trên 4.500 chiếc đã về nơi tránh trú an toàn. TP. Uông Bí đã huy động trên 2.300 người là lực lượng tại chỗ thuộc các xã, phường và các đơn vị đóng quân trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng trên 5.000 bao tải, 1.500 m2 vải bạt, 2.800 m3 đá hộc… để ứng phó với bão.


Ông Vũ Hồng Thanh kiểm tra tuyến đê Điền Công, TP. Uông Bí. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Thị xã Quảng Yên cũng đã huy động hàng nghìn người; trên 75.000 bao tải, 2.615 rọ thép và gần 10.000 m3 đá hộc sẵn sàng chống bão số 1. Đặc biệt, để chuẩn bị đối phó với các tình huống xấu khi phải sơ tán dân, thị xã Quảng Yên còn huy động 70 xe tải, 68 xe khách và hàng chục máy xúc, máy cẩu các loại sẵn sàng ứng phó với các sự cố khi bão về.

Sau khi trực tiếp kiểm tra một số vị trí xung yếu, ông Vũ Hồng Thanh yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc phương châm 4 tại chỗ, tiếp tục cập nhật thông tin, chủ động nắm vững tình hình, diễn biến của cơn bão để có phương án xử lý kịp thời.

Tại huyện Cát Hải (Hải Phòng), tính đến 17 giờ chiều 23/6, số phương tiện, tàu thuyền ngoài huyện neo đậu tránh trú bão trên địa bàn là 313 phương tiện/1.311 lao động. Huyện đã chỉ đạo việc chuẩn bị các phương án di dời bè tại vị trí xung yếu. Sẵn sàng các phương án gia cố, xử lý một số đoạn đê, kè xung yếu, có nguy cơ  nước biển tràn khi có bão kết hợp triều cường.

Tàu thuyền tránh bão trong vịnh Cát Bà. Ảnh: Báo Hải Phòng

Tại quận Đồ Sơn, toàn bộ phương tiện đánh bắt thủy sản xa bờ đã về bến an toàn.

Tại huyện đảo Bạch Long Vỹ,  có 430 phương tiện/1.965 lao động neo đậu trong khu vực âu cảng Bạch Long Vỹ. Các đơn vị chức năng đưa lên bờ tránh bão 164 phương tiện thuyền nan.

Các huyện Tiên Lãng, An Dương tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tích cực chuẩn bị các điều kiện phòng, chống cơn bão số 1.

Tại tỉnh Thái Bình, ngày 24/6, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, khẩn trương kiểm đếm và sắp xếp các tàu thuyền vào nơi tránh trú bão.

Đồng thời yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan kiểm tra, đôn đốc toàn bộ số lao động tại các chòi ngao, các đầm nuôi thủy, hải sản, những người đang sinh sống ngoài đê biển vào nơi trú ẩn an toàn.

Đến 5 giờ 30 phút ngày 24/6, toàn tỉnh đã liên lạc được 1.128 tàu, thuyền với khoảng 3.325 lao động. Tất cả các huyện, thành phố đang tổ chức di dời lao động, hộ dân sinh sống ở các vùng đê bối vào trong đê chính trước khi bão đổ bộ. Tiến hành kiểm tra các nhà dân, nhà tập thể, bệnh viện, trường học xung yếu, chủ động di chuyển người dân đến nơi kiên cố, an toàn.

BT