• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Quảng Trị - Thủ phủ đối ngoại của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị là tuyến lửa ác liệt nhất trong những vùng ác liệt, cũng là một trong những nơi có nhiều di tích lịch sử nhất Việt Nam, trong đó có Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

08/06/2023 13:38
Quảng Trị-Thủ phủ đối ngoại của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - Ảnh 1.

Dịp kỷ niệm 50 năm, tỉnh Quảng Trị trưng bày, giới thiệu hình ảnh tư liệu về Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ, Quảng Trị - Ảnh: VGP/Nhật Anh

GS.TS. Trình Quang Phú (Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển phương Đông) nói như vậy khi nhắc đến mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Ông Phú nguyên là chuyên viên Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; nguyên Trợ lý của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

Kỷ niệm 50 năm Ngày ra mắt trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị (6/6/1973 - 6/6/2023), ông Trình Quang Phú đã nhớ lại những dấu ấn khi phục vụ trong bộ máy Chính phủ Cách mạng lâm thời.

Ngược dòng lịch sử, ông Trình Quang Phú cho hay chiến công 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị đã tạo ra "quả đấm thép" buộc đối phương phải đi vào đàm phán thực chất ở Hội nghị Paris để ký Hiệp định hòa bình, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Cuộc chiến đấu gian khổ đó làm cho con người Quảng Trị thêm cứng rắn, kiên cường, dũng cảm cùng với khát khao hòa bình to lớn. Không ai yêu hòa bình bằng những con người đã trải qua 10.000 ngày chịu đựng hy sinh vì chiến tranh, như nhân dân Quảng Trị, nhân dân Việt Nam, đó là chân lý.

Trụ sở Chính phủ Cách mạng miền Nam tại Quảng Trị là nơi đã tiếp lãnh tụ Cuba Fidel Castro và tiếp nhận quốc thư của đại sứ 43 nước. Đó chính là dấu ấn không thể nào quên...

Ông Phú còn nhớ những ngày đàm phán ở Hội nghị Paris, khi đó có nhà báo nước ngoài hỏi Trưởng đoàn đàm phán của chúng ta là bà Nguyễn Thị Bình rằng: "Các ngài có Chính phủ, vậy thủ đô ở đâu?". Câu trả lời là: "Chúng tôi  đang đương đầu với bom đạn kẻ thù để bảo vệ Tổ quốc thì thủ đô của chúng tôi ở trong trái tim mỗi người dân miền Nam".

Theo ông Phú, những năm tháng đó, việc cách mạng miền Nam có thủ phủ, có trụ sở đối ngoại là yêu cầu cấp bách.

Quảng Trị-Thủ phủ đối ngoại của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - Ảnh 2.

Điện mừng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Anh

Ngày 1/5/1972, Quảng Trị được giải phóng. Ngày 6/6/1972, kỷ niệm 3 năm ngày thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Quảng Trị tổ chức mít tinh mừng chiến thắng.

Trong dịp bày, Trung ương đã quyết định xây dựng Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đặt tại Cam Lộ, Quảng Trị. Chọn Quảng Trị để đặt trụ sở vì đây là dải đất nối liền miền Bắc XHCN, đã xóa được sự chia cắt đất nước bởi vĩ tuyến 17 và cầu Hiền Lương, cũng là nơi thuận tiện đón khách quốc tế, đón các đại sứ qua sân bay Đồng Hới.

Cam Lộ được chọn là nơi đặt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời vì đây là địa bàn kín đáo, an toàn, thuận lợi giao thông, bên này là sông Hiếu, bên kia Đường 9, phía nam có dãy núi che chắn.

Đúng vào dịp kỷ niệm 1 năm ngày giải phóng Quảng Trị và sau hơn 100 ngày Hiệp định Paris được ký kết, Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được khởi công xây dựng.

Với tinh thần thần làm việc thần tốc, chỉ sau 25 ngày đêm, ngày 6/6/1973, Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chính thức ra mắt quân và dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Trụ sở gồm nhà làm việc của Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nhà Bộ Ngoại giao, khu nhà lưu trú của các đại sứ, nhà ở, nhà ăn của cán bộ…

Trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đặt tại Quảng Trị đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử. 

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Luật sư Trịnh Đình Thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn; các ông: Nguyễn Đóa, Nguyễn Văn Kiết, Phó Chủ tịch Chính phủ; Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán tại Hội nghị Paris Nguyễn Thị Bình; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Nam Trung, cùng nhiều thành viên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và nhiều anh hùng lực lượng vũ trang quân giải phóng đã có mặt ở đây.

Đặc biệt, vào tháng 9/1973, lãnh tụ Cuba Fidel Castro, vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới tới thăm vùng giải phóng Cam Lộ, Quảng Trị và được tiếp đón nồng nhiệt tại Trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Cũng tại nơi đây, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cùng Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình chủ trì lễ nhận quốc thư của 43 nước từ 5 châu lục và tiếp đón nhiều đoàn đại biểu của các tổ chức quốc tế đến thăm.

Quảng Trị-Thủ phủ đối ngoại của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - Ảnh 3.

Lãnh tụ Cuba, Fidel Castro, vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới tới thăm vùng giải phóng Cam Lộ, Quảng Trị vào tháng 9/1973 (ảnh trưng bày tại Di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) - Ảnh: VGP/Nhật Anh

Trong những ngày tháng lịch sử đó, quân và dân Quảng Trị vẫn kiên cường chống trả sự tái lấn của quân đội Sài Gòn bên kia sông Thạch Hãn, vừa lo bảo đảm an toàn mạch máu giao thông với miền Bắc và phục vụ hậu cần chu đáo đầy đủ cho khách quốc tế. Nhân dân Quảng Trị đã thay mặt miền Nam thể hiện tình cảm chân thành, thân thiện với khách quốc tế, giúp các đại sứ hiểu rõ về mảnh đất Quảng Trị kiên trung, bất khuất.

Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở Cam Lộ đã tạo nên bước ngoặt lịch sử, đưa vị thế của cách mạng miền Nam lên tầm cao mới trên trường quốc tế. Nhờ đó, chúng ta đã thuyết phục, mở rộng mặt trận thế giới ủng hộ Việt Nam trên khắp địa cầu, góp sức cho cuộc chiến đấu của dân tộc ta.

Cũng từ mảnh đất Quảng Trị, ngày 19/3/1975, ngày truyền thống toàn quốc chống Mỹ, quân dân ta đã từ bờ sông Thạch Hãn tiến vào giải phóng Huế-Đà Nẵng, để ngày 30/4/1975, cùng các cánh quân anh hùng tiến vào giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất non sông.

Khi trở về thăm trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình đã nói: "Năm tháng và cát bụi có thể làm mờ dấu chân của những người làm nên lịch sử, nhưng những giá trị thiêng liêng của lịch sử nhân văn vì tự do độc lập của dân tộc sẽ trường tồn cùng nhân loại".

Đến nay, Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị vẫn mãi mãi là hình ảnh về quá khứ hào hùng và vẻ vang, là minh chứng cho khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Nhật Anh