Theo đó, trong năm 2012, nước này sẽ phải cắt giảm 3,3 tỷ Euro (4,35 tỷ USD) tiền lương, trợ cấp và việc làm.
Đây là diễn biến mới nhất về các biện pháp nhằm cứu Hy Lạp tránh được tình cảnh vỡ nợ.
Trước đó, ngày 11/2, Chính phủ Hy Lạp đã thông qua các biện pháp khắc khổ mới theo yêu cầu của các nhà tài trợ là Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để có thể nhận được gói cứu trợ thứ 2.
Thủ tướng Lucas Papademos cảnh báo, nếu không chấp nhận yêu cầu của các nhà tài trợ, Hy Lạp sẽ rơi vào cảnh vỡ nợ không thể kiểm soát và sớm hay muộn sẽ phải từ bỏ đồng Euro.
Ông Lucas Papademos thừa nhận một đợt cắt giảm chi tiêu mới sẽ khiến cuộc sống của người dân Hy Lạp thêm khó khăn, nhất là khi tỷ lệ thất nghiệp đã ở mức trên 20%, với hơn 1 triệu người mất việc làm.
Tuy nhiên, Thủ tướng Hy Lạp cũng cho rằng cái giá phải trả về mặt xã hội khi thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng vẫn nhẹ hơn so với một thảm họa về kinh tế và xã hội nếu đất nước vỡ nợ.
Chính phủ Hy Lạp đang trải qua những ngày sóng gió khi phải đối mặt với sự phản đối của người dân cũng như mâu thuẫn trong nội bộ liên minh cầm quyền liên quan tới các biện pháp siết chặt ngân sách để được nhận gói cứu trợ tài chính trị giá 130 tỷ Euro (tương đương 171 tỷ USD) từ EU và IMF.
Gói cứu trợ này được coi là "phao cứu sinh" giúp Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công vào ngày 20/3 tới, thời điểm nước này phải thanh toán các khoản nợ đáo hạn lên tới 14,5 tỷ USD.
Trước khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua dự luật trên, khoảng 100.000 người tại thủ đô Athens và thành phố Thessaloniki đã đổ ra đường biểu tình phản đối các biện pháp khắc khổ mới.
Cảnh sát Hy Lạp đã phải sử dụng hơi cay giải tán cuộc biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc hội tại Athens, nơi các nghị sĩ đang thảo luận về các biện pháp để nhận được gói cứu trợ tài chính thứ 2.
Đây là cuộc biểu tình phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng quy mô lớn nhất trong nhiều tháng qua ở Hy Lạp./.