Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bà Corinna Hawkes, Giám đốc Hệ thống Thực phẩm và An toàn thực phẩm của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho rằng Hội nghị toàn cầu là cơ hội rất tốt để các quốc gia chia sẻ kinh nghiệm, ý kiến cũng như cùng hợp tác để xây dựng hệ thống LTTP.
Chuyển đổi hệ thống LTTP là yêu cầu thực sự cần thiết, vì vậy nếu các quốc gia, đối tác liên kết tốt thì sự thay đổi sẽ ngày càng rõ rệt và hiệu quả hơn.
Bà Corinna Hawkes nhấn mạnh về hội nghị lần này: "Thực sự cần thiết để nhìn nhận những gì chúng ta cần phải làm để sản xuất tốt hơn, thực phẩm giàu dinh dưỡng hơn, cải thiện môi trường hơn và có cuộc sống tốt đẹp hơn".
Đại diện FAO đánh giá, hội nghị đã thể hiện vai trò của Việt Nam trong câu chuyện về chuyển đổi hướng tới bền vững, từ đó Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình với thế giới và ở chiều ngược lại, các quốc gia có thể học hỏi lẫn nhau để thực hiện nỗ lực này.
Theo đánh giá của FAO, một trong những thay đổi rõ rệt ở lần tổ chức hội nghị thứ 4 này là ý chí chính trị mạnh mẽ đối với chương trình chuyển đổi hệ thống LTTP. Tại đây, nếu không có sự liên kết mạnh mẽ hơn giữa các quốc gia và đối tác liên quan để chuyển đổi hệ thống LTTP, sẽ khó có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, các mục tiêu kinh tế, ứng phó BĐKH và dinh dưỡng đặt ra.
Đại diện FAO nhấn mạnh về mối quan hệ phụ thuộc, tác động qua lại của sản xuất có trách nhiệm và tiêu dùng có trách nhiệm, của cung và cầu. Như vậy, mọi yếu tố liên quan trong mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu dùng đều phải được cân nhắc.
"Chúng ta cần xây dựng một nền sản xuất LTTP mà ở đó người dân hay người tiêu dùng có thể khỏe mạnh hơn. Chúng ta cũng cần chắc chắn rằng người tiêu dùng có thể nhận thức và được thông tin đầy đủ rằng họ là một phần quan trọng của hệ thống LTTP, quyết định của họ có ảnh hưởng tới hệ thống LTTP", bà Hawkes cho biết.
Đại diện FAO cũng cho rằng, thay đổi nhận thức cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Tất cả đều phải hiểu rằng mục đích của sản xuất nông nghiệp không chỉ là sản xuất LTTP mà còn phải đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường và yếu tố dinh dưỡng. Nếu không có sự liên kết mạnh mẽ hơn để chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, các quốc gia sẽ khó có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đặt ra.
Ông Gunther Beger, Giám đốc điều hành Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) cho rằng Việt Nam đã có sự phát triển đáng ghi nhận trong lĩnh vực sản xuất lương thực, thực phẩm, đặc biệt trong chế biến thực phẩm.
Giám đốc UNIDO nhìn nhận, Việt Nam đã xác định được rõ ràng mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu, nông sản để vươn ra thế giới cần đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính. Chính vì vậy, Việt Nam cũng đang thắt chặt các quy định liên quan đến chế biến và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đại diện UNIDO cho rằng đây là một hướng đi đúng nhằm thúc đẩy giá trị xuất khẩu cũng như nâng cao thu nhập cho người dân.
"Tôi nghĩ Việt Nam đang đi đúng hướng, chúng ta đều nhìn thấy sự phát triển của Việt Nam, sự thay đổi ngoạn mục từ một quốc gia nhập khẩu trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm hàng đầu thế giới với hàng loạt mặt hàng nông sản dẫn đầu về xuất khẩu như gạo, cà phê...", ông Beger nhấn mạnh
Tuy nhiên, quá trình phát triển sản xuất nhanh chóng này cũng kéo theo nhiều hệ lụy như suy thoái môi trường gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Chính vì vậy, việc chuyển đổi hệ thống LTTP theo hướng bền vững hơn là yêu cầu cấp thiết.
Ông Gunther Beger nhìn nhận: "Trước những cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang đối mặt hiện nay cho thấy rằng chúng ta cần phải tìm ra những cách thức mới trong sản xuất LTTP. Đây là hội nghị quan trọng gợi mở những bước tiến đầu tiên để đảm bảo an ninh lương thực, cũng như sản xuất lương thực không gây tổn hại tới môi trường".
Ông Christian Hoffer, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thụy Sĩ chia sẻ, ông từng đến Việt Nam cách đây khoảng 20 năm và ngạc nhiên trong lần trở lại lần này. Việt Nam có nhiều thay đổi về cơ sở hạ tầng, quy mô nền kinh tế, cũng như cách tổ chức sản xuất, chế biến nông sản.
"Tôi vẫn cảm thấy một sự thân thuộc với các bạn, có lẽ là bởi Thụy Sĩ nổi tiếng với cà phê, còn Việt Nam lại là vùng sản xuất cà phê trọng điểm trên thế giới. Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ là đầu vào cho ngành sản xuất cà phê của chúng tôi, nhất là cà phê nhân".
"Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều cam kết mạnh mẽ, như giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tôi tin tưởng, các bạn sẽ tiếp nối quyết tâm ấy bằng các hành động cụ thể, đặc biệt là chuyển đổi thành công hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững", ông Christian Hoffer nhấn mạnh.
Ông Christian Hoffer cũng đánh giá Việt Nam có tiềm năng lớn về nền công nghiệp thực phẩm. Đó sẽ là nguồn tri thức quý giá để chia sẻ kinh nghiệm tới các bên tham gia hội nghị lần này, các đối tác trong Mạng lưới Một hành tinh, cũng như các quốc gia, tổ chức trên toàn cầu. "Sự chia sẻ có trách nhiệm như vậy trong mạng lưới là minh chứng rõ nét cho việc các bạn đang đang góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thụy Sĩ nhấn mạnh.
Đỗ Hương