Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo phản ánh của ông Trần Hữu Thuận (Quảng Nam), Quỹ đầu tư phát triển địa phương trước đây hoạt động theo Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP, nay được thay thế bởi Nghị định số 147/2020/NĐ-CP. Về quy định các biện pháp xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay của Quỹ đầu tư phát triển địa phương, Nghị định số 147/2020/NĐ-CP không quy định biện pháp khoanh nợ, xóa nợ gốc như Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và số 37/2013/NĐ-CP.
Ông Thuận hỏi, khi sửa đổi điều lệ tổ chức, hoạt động của Quỹ và ban hành quy chế xử lý rủi ro cho vay, Quỹ có được phép quy định 2 biện pháp này vào điều lệ, quy chế không? Dựa trên văn bản pháp lý nào, hay vận dụng văn bản pháp lý nào để quy định 2 biện pháp xử lý rủi ro này vào trong điều lệ, quy chế? Nếu được phép quy định thì thẩm quyền quyết định như thế nào?
Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định tại Nghị định số 147/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương (Điều 30):
"Quỹ đầu tư phát triển địa phương thực hiện phân loại nợ, trích lập quỹ dự phòng rủi ro và xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay theo quy định của pháp luật đối với ngân hàng thương mại.
Quỹ đầu tư phát triển địa phương xây dựng quy chế xử lý rủi ro và trình Hội đồng quản lý Quỹ ban hành sau khi có ý kiến chấp thuận của UBND cấp tỉnh. Quy chế xử lý rủi ro bao gồm các nội dung cơ bản sau: Nguyên tắc xử lý rủi ro; các trường hợp, biện pháp xử lý rủi ro; hồ sơ, trình tự thủ tục sử dụng dự phòng rủi ro; quy trình xử lý rủi ro và thẩm quyền quyết định xử lý rủi ro".
Căn cứ quy định nêu trên, Quỹ đầu tư phát triển địa phương có trách nhiệm xây dựng quy chế xử lý rủi ro theo quy định tại Nghị định số 147/2020/NĐ-CP và quy định của pháp luật đối với ngân hàng thương mại, trình Hội đồng quản lý Quỹ ban hành sau khi có ý kiến chấp thuận của UBND cấp tỉnh.