Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo Thông tư, hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Thống kê là tập hợp các chỉ tiêu thống kê do Hệ thống thống kê tập trung thực hiện phục vụ hoạt động thống kê và công tác quản lý chung của ngành Thống kê.
Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Thống kê gồm:
Danh mục chỉ tiêu thống kê ngành Thống kê gồm số thứ tự; mã số; nhóm, tên chỉ tiêu được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
Nội dung chỉ tiêu thống kê ngành Thống kê gồm khái niệm, phương pháp tính, phân tổ chủ yếu, kỳ công bố, nguồn số liệu và đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
Cụ thể, nhóm chỉ tiêu "Dân số, lao động và việc làm" gồm các nội dung: Tỷ số giới tính của dân số; Tỷ trọng lao động có việc làm chia theo nhóm giờ làm việc trong tuần; Tỷ trọng người làm công ăn lương có hợp đồng lao động; Tỷ lệ thất nghiệp của người di cư…
Nhóm chỉ tiêu "Doanh nghiệp, cơ sở kinh tế và vốn đầu tư" gồm các nội dung: Số cơ sở, lao động trong các cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Số lượng trang trại; Vốn thực hiện của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài; Tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài trong tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội…
Nhóm chỉ tiêu "Nông, lâm nghiệp và thủy sản" gồm các nội dung: Số lượng và công suất máy móc, thiết bị chủ yếu phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; Tổng đàn gia súc, gia cầm chủ yếu; Sản lượng gỗ khai thác từ rừng; Diện tích nuôi trồng thủy sản…
Bên cạnh đó, còn có các nhóm chỉ tiêu như: Giáo dục; Y tế và chăm sóc sức khỏe; Văn hóa, thể thao và du lịch; Mức sống dân cư; Đặc điểm chung của xã; Nhóm chỉ tiêu phục vụ quản lý điều hành của ngành Thống kê.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2024. Những chỉ tiêu phân công cho Tổng cục Thống kê chủ trì thu thập quy định tại Thông tư số 05/2017/TT-BKHĐT ngày 30/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hết hiệu lực kể từ khi Thông tư này có hiệu lực.
Lan Phương