Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Một điều không thể phủ nhận là hiện nay, những quán ăn vỉa hè đang đáp ứng nhu cầu ăn uống của một bộ phận không nhỏ người dân vì sự tiện lợi và giá cả phải chăng. “Mình thấy ăn mấy quán vỉa hè quen vừa ngon, lại rẻ. Nhiều người có thói quen ăn vỉa hè, vào nhà hàng đắt mà chưa chắc đã ngon”, anh Lê Hoài Nam (Hà Nội) nói.
Bài toán vừa khuyến khích kinh doanh vừa phải quản được chất lượng
Khi hỏi về điều kiện kinh doanh thực phẩm đường phố của Bộ Y tế sẽ có hiệu lực vào ngày 20/1 tới, đa phần người bán hàng có chung câu trả lời “Chưa biết rõ quy định thế nào, lúc nào cấm bán ở đây thì chạy hàng chỗ khác,...”.
Những quy định đưa ra là cần thiết, tuy nhiên áp dụng vào thực tế không tránh khỏi có thể bộc lộ, nảy sinh bất cập |
Còn băn khoăn của chị Bùi Liên, chủ hàng bún ốc trên đường Hàng Bông (Hà Nội) là việc quản lý thực phẩm tươi sống hiện nay chưa đảm bảo nhưng lại yêu cầu các quán ăn, đặc biệt là quán ăn đường phố phải đạt được những tiêu chuẩn như nguyên liệu phải có hoá đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ…
Chị Lương Thanh Loan (Hàng Chiếu, Hà Nội) cho rằng, quán ăn vỉa hè thể hiện một phần của cuộc sống hiện nay. Do đó, cần có những quy định phù hợp để vừa khuyến khích được loại hình kinh doanh đáp ứng nhu cầu người dân đồng thời lại vừa phải quản được chất lượng, làm sao thức ăn đường phố vừa ngon vừa an toàn”, chị Loan nói.
Chế tài cần nhưng đã đủ?
Rất nhiều ý kiến cho rằng rõ ràng những quy định đưa ra là cần thiết để quản lý và chấn chỉnh tình trạng kinh doanh thức ăn đường phố.
Như chia sẻ của anh Nguyễn Hoàng Trung, chủ cửa hàng phở tại phố Thi Sách, thực tế, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng thức ăn, thực phẩm đường phố ở Hà Nội cũng như các địa phương khác lâu nay đã trở thành chuyện thường ngày.
Không chỉ có vậy, tại nhiều nơi, thức ăn dù sống hay chín được bày bán tràn lan trên vỉa hè, cổng chợ, các bến xe, trước cổng trường học, cơ quan, xí nghiệp, nơi đông người qua lại, thậm chí ngay trên miệng cống hay bên cạnh mương thoát nước thải, vừa không an toàn lại mất mỹ quan đô thị.
“Tuy nhiên phải có giải pháp để hướng dẫn và hỗ trợ người kinh doanh thực hiện, không nên chỉ ra quy định rồi bỏ ngỏ”, ông Trung suy nghĩ.
Còn chị Quản Ngọc Ly (Cửa Đông, Hà Nội) kiến nghị, bên cạnh ra các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm với quán ăn đường phố, Nhà nước nên xem xét việc triển khai mô hình tập trung các quán ăn đường phố một địa điểm cố định, do thực tế các quán ăn vỉa hè, đặc biệt là gánh hàng rong, thường di chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác, rất khó quản lý và kiểm tra.
Chị Ly kiến nghị, các địa điểm này có thể do doanh nghiệp hoặc cá nhân đại diện quản lý tập trung, thuê, mượn mặt bằng đảm bảo cung cấp nước sạch, bố trí các khu chế biến ăn uống hợp vệ sinh. Người bán hàng được tham gia các lớp tập huấn để cung cấp kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, được khám sức khỏe, xét nghiệm định kỳ.
Chị Ly cho biết, mô hình này đã được áp dụng tại Singapore. Các khu này được thiết lập thành những trung tâm ăn uống ngoài trời, được đặt ở tầng 1 của các khu căn hộ phức hợp hay những tòa nhà thương mại trong toàn thành phố.
Tuy nhiên từ góc độ của luật sư, ông Quản Văn Minh, Uỷ viên Ban chấp hành TW Hội luật gia Việt Nam cho rằng, những quy định đưa tại Thông tư 30/2012/TT-BYT áp dụng vào thực tế có thể sẽ gây khó khăn với chính người bán hàng và đặt ra những thách thức với cấp quản lý trong việc triển khai quy định thời gian tới.
Việc này đòi hỏi Bộ Y tế phải có sự phối hợp chặt chẽ với các UBND, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, cung cấp hoạt động bổ trợ hướng dẫn khám sức khỏe, tập huấn, cấp giấy chứng nhận về tập huấn an toàn thực phẩm cho người kinh doanh.
“Ngoài ra, cần quy định cụ thể hơn về thẩm quyền kiểm tra và xử lý vi phạm trong vấn đề này, hay có các chế tài xử phạt cụ thể để áp dụng khi có vi phạm, mang ý nghĩa răn đe”, Luật sư Minh đề xuất.
Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức, công dân