Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Điều 166 Bộ luật Lao động năm 2012 (có hiệu lực đến ngày 31/12/2020), quy định, người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này (sau khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi).
Người lao động cao tuổi được rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.
Năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu, người lao động được rút ngắn thời giờ làm việc bình thường hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.
Việc sử dụng người lao động cao tuổi được quy định tại Điều 167 Bộ luật Lao động như sau:
Khi có nhu cầu, người sử dụng lao động có thể thỏa thuận với người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe kéo dài thời hạn HĐLĐ hoặc giao kết HĐLĐ mới theo quy định tại Chương III của Bộ luật này.
Khi đã nghỉ hưu, nếu làm việc theo HĐLĐ mới, thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi vẫn được hưởng quyền lợi đã thoả thuận theo HĐLĐ.
Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khoẻ của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.
Điều 6 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP trong đó khoản 2 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 148/2018/NĐ-CP (tình trạng còn hiệu lực) quy định về HĐLĐ với người lao động cao tuổi, như sau:
Khi người sử dụng lao động có nhu cầu và người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe theo kết luận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật thì hai bên có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn HĐLĐ hoặc giao kết HĐLĐ mới.
Khi người sử dụng lao động không có nhu cầu hoặc người lao động cao tuổi không có đủ sức khỏe thì hai bên thực hiện chấm dứt HĐLĐ.
Khoản 2, Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 47/2018/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn, khi tiếp tục lao động sau độ tuổi quy định tại Điều 187 của Bộ luật lao động, người lao động cao tuổi và người sử dụng lao động thỏa thuận sửa đổi, bổ sung HĐLĐ cho phù hợp với quy định của pháp luật về lao động đối với người lao động cao tuổi.
HĐLĐ với người lao động cao tuổi phải bảo đảm các nội dung quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 166 và Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 167 của Bộ luật lao động.
Theo đó, nội dung chủ yếu của HĐLĐ thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Bộ luật Lao động, Điều 4 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, đối với người cao tuổi cần điều chỉnh nội dung cho phù hợp hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư số 47/2018/TT-BLĐTBXH.
Căn cứ quy định nêu trên người sử dụng lao động và người lao động cao tuổi thỏa thuận giao kết và chấm dứt HĐLĐ đúng theo quy định pháp luật.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật