Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh hoạ |
Theo ý kiến của cử tri, hiện nay, theo quy định đối với thôn ở miền núi, hải đảo phải có từ 100 hộ gia đình trở lên và trên thực tế tại 1 thôn, bản ở xã vùng cao, việc thực hiện quy định trên sẽ gây khó khăn cho việc quản lý hành chính tại địa phương do mật độ dân cư thưa thớt, lại sinh sống trên địa bàn rộng.
Ngoài ra, thôn, khối phố không phải là cấp chính quyền, lực lượng cán bộ ít, xong chính quyền cấp xã thường xuyên yêu cầu báo cáo, phân công giao nhiệm vụ. Cử tri đề nghị ban hành quy chế hoạt động cụ thể và xác định rõ mối quan hệ giữa thôn, khối phố và chính quyền cấp xã.
Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời cử tri các tỉnh Quảng Nam và Yên Bái như sau:
Việc thành lập thôn mới, tổ dân phố mới
Thông tư 04/2012/TT-BNV nêu trên không quy định việc sắp xếp lại toàn bộ các thôn, tổ dân phố hiện có, theo đó tại Khoản 2, Điều 3 của Thông tư quy định, không chia tách các thôn, tổ dân phố đang hoạt động ổn định để thành lập thôn mới, tổ dân phố mới.
Việc thành lập thôn mới, tổ dân phố mới được thực hiện trong các trường hợp quy định tại Khoản 3 và Khoản 4, Điều 3 của Thông tư, trong đó tại Khoản 4 Điều 3 quy định, trường hợp các thôn, tổ dân phố nằm trong quy hoạch giải phóng mặt bằng, quy hoạch dãn dân, tái định cư hoặc điều chỉnh địa giới hành chính được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc do việc di dân đã hình thành các cụm dân cư mới ở vùng cao, vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nơi có địa hình chia cắt, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, đòi hỏi phải thành lập thôn mới, tổ dân phố mới thì điều kiện thành lập thôn mới, tổ dân phố mới có thể thấp hơn các quy định tại Điều 7 Thông tư này.
Quan hệ giữa thôn, tổ dân phố và chính quyền xã
Căn cứ Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 17/4/2008 của Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn thi hành Điều 11, Điều 14, Điều 16, Điều 22 và Điều 26 của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 04/2012/TT-BNV.
Trong đó khoản 1 Điều 3 Thông tư đã quy định mối quan hệ của thôn, tổ dân phố với chính quyền cấp xã như sau: "Thôn, tổ dân phố chịu sự quản lý của nhà nước trực tiếp của chính quyền cấp xã. Hoạt động của thôn, tổ dân phố phải tuân thủ pháp luật, dân chủ, công khai, minh bạch; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền cấp xã và sự hướng dẫn, triển khai công tác của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã".
Ngoài ra, Điều 5, Điều 6 và Điều 10 Thông tư 04/2012/TT-BNV đã nêu rõ những nội dung chủ yếu về hoạt động, hội nghị của thôn và nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố. Đồng thời, khoản 2 Điều 14 quy định việc UBND cấp tỉnh ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố cho phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, trong đó quy định cụ thể những việc UBND cấp xã và thôn, tổ dân phố phối hợp thực hiện theo quy định của pháp luật.
Chinhphu.vn