Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bà Nhàn cũng muốn biết, việc thuê tổ chức có đủ điều kiện thẩm định giá và tổ chức bán đấu giá xe với giá tiền dưới 20 triệu đồng có thuộc phạm vi áp dụng của pháp luật về đấu thầu và Thông tư số 58/2016/TT-BTC không?
Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 3/6/2009 của Chính phủ; Khoản 5, Điều 2 Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 4/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ, xe ô tô phục vụ công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được thanh lý khi: Đã sử dụng vượt quá thời gian theo chế độ quy định; hoặc sử dụng ít nhất 250.000 km (đối với địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn là 200.000 km) mà không thể tiếp tục sử dụng; hoặc bị hư hỏng mà không bảo đảm an toàn khi vận hành theo kiểm định của cơ quan chức năng.
Như vậy, việc thanh lý xe ô tô của cơ quan Nhà nước theo quy định nhằm bảo đảm an toàn khi vận hành và duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan.
Thẩm quyền, thủ tục thanh lý xe
Thẩm quyền, phương thức thanh lý, trình tự, thủ tục thanh lý và quản lý số tiền thu được từ thanh lý xe ô tô thực hiện theo quy định tại Mục 7 Chương II Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 3/6/2009 của Chính phủ. Theo đó:
- Việc thanh lý ô tô được áp dụng theo các phương thức: Bán tài sản Nhà nước; phá dỡ, hủy bỏ tài sản Nhà nước.
- Việc thanh lý tài sản theo phương thức bán được thực hiện đấu giá theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp được bán chỉ định, gồm: Tài sản Nhà nước đã hết giá trị còn lại theo sổ kế toán. Riêng tài sản là nhà và tài sản khác gắn liền với đất, phương tiện vận tải, tài sản khác có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 triệu đồng/1 đơn vị tài sản phải đánh giá lại, nếu giá trị còn lại theo đánh giá lại dưới 50 triệu đồng/1 đơn vị tài sản thì được bán chỉ định; trường hợp đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá tài sản mà chỉ có một tổ chức, cá nhân đăng ký mua tài sản Nhà nước và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm.
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp xe ô tô thanh lý có giá trị còn lại được đánh giá lại theo quy định từ 50 triệu đồng/xe trở lên thì thực hiện bán đấu giá. Việc xác định giá bán và tổ chức bán đấu giá tài sản thanh lý thực hiện theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP.
Trường hợp xe ô tô thanh lý có giá trị còn lại được đánh giá lại theo quy định dưới 50 triệu đồng/xe thì được bán chỉ định. Tuy nhiên, đơn vị có thể áp dụng hình thức bán đấu giá theo quy định. Việc xác định giá bán và tổ chức bán chỉ định tài sản thanh lý thực hiện theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP.
Trường hợp trong số xe bán thanh lý có xe có giá trị đánh giá lại dưới 50 triệu/xe và có xe có giá trị đánh giá lại từ 50 triệu đồng/xe trở lên, để hiệu quả và thuận tiện thì thực hiện bán đấu giá cả lô.
Số tiền thu được từ bán thanh lý tài sản được thực hiện theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP (số tiền thu được từ thanh lý tài sản Nhà nước, sau khi trừ đi các chi phí liên quan được nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước. Trường hợp số tiền thu được từ thanh lý tài sản không đủ bù đắp chi phí thì phần còn thiếu được chi từ dự toán ngân sách Nhà nước giao cho cơ quan Nhà nước có tài sản thanh lý) và là nguồn thu thuộc ngân sách Nhà nước.