Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời trường hợp của ông Luân như sau:
Điều 104 Bộ Luật Lao động (BLLĐ) quy định, thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và 48 giờ trong 1 tuần.
Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 1 tuần .
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.
Làm thêm giờ
Theo quy định tại Điều 106 BLLĐ, làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.
Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Được sự đồng ý của người lao động.
- Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm.
- Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.
Trường hợp ông Công Tạng Luân phản ánh, ông phải làm việc 13 giờ/1 ngày. Khi ông có ý kiến không đồng ý với yêu cầu của công ty, thì công ty đưa ra tuyên bố sẽ cho ông nghỉ việc. Nếu sự việc đúng như phản ánh của ông Luân thì công ty đã vi phạm quy định tại Điều 104, 106 BLLĐ về thời giờ làm việc bình thường và điều kiện sử dụng người lao động làm thêm giờ.
Căn cứ Điều 41 BLLĐ, bởi lý do ông không đồng ý làm việc 13 giờ/1 ngày mà công ty đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động với ông là trái pháp luật (vì việc đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động không đúng với quy định tại Điều 38 của Bộ luật này).
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.