Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Võ Tấn Hưng (tỉnh Quảng Nam) ký HĐLĐ không xác định thời hạn với một doanh nghiệp, làm việc gần 4 năm, xin nghỉ việc từ ngày 30/9/2017 nhưng đến ngày 8/12/2017 (hơn 45 ngày), doanh nghiệp không có ý kiến gì đối với đơn xin nghỉ việc của ông, nên ông không có cơ sở để ký HĐLĐ với doanh nghiệp khác do yêu cầu phải có quyết định nghỉ việc của doanh nghiệp cũ. Ông Hưng hỏi, ông phải làm gì để được ký HĐLĐ với doanh nghiệp mới?
Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động, người lao động làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày.
Khoản 2 và Khoản 3 Điều 47 Bộ luật Lao động quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt HĐLĐ (bao gồm trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ có thời hạn báo trước theo Khoản 3 Điều 37 của Bộ luật này) như sau:
- Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
Theo ông Võ Tấn Hưng phản ánh, ông giao kết HĐLĐ không xác định thời hạn với một doanh nghiêp và đã có thời gian làm việc tại doanh nghiệp này gần 4 năm. Ngày 15/8/2017 ông viết đơn gửi giám đốc xin thôi việc vào ngày 30/9/2017. Nhưng cho đến ngày 8/12/2017 đã quá thời hạn báo trước 45 ngày, doanh nghiệp không trả lời đơn xin thôi việc của ông.
Nếu sự việc đúng như ông Hưng phản ánh, ông Hưng có quyền thôi việc, đồng thời gửi văn bản tới giám đốc doanh nghiệp để thông báo việc ông đơn phương chấm dứt HĐLĐ và yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với ông Hưng khi chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 47 Bộ luật Lao động.
Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện trách nhiệm của mình, theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Lao động, ông Hưng có thể gửi đơn đến Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp có trụ sở chính, yêu cầu cử Hòa giải viên lao động là người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân. Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động thực hiện theo quy định tại Điều 201 của Bộ luật này.
Nghĩa vụ cung cấp thông tin trước khi giao kết HĐLĐ
Khoản 2 Điều 19 Bộ luật Lao động quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin trước khi giao kết HĐLĐ như sau: Người lao động phải cung cấp thông tin cho người sử dụng lao động về họ tên, tuổi, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, tình trạng sức khoẻ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết HĐLĐ mà người sử dụng lao động yêu cầu.
Đối với Quyết định nghỉ việc của doanh nghiệp cũ là cần thiết cho việc thực hiện thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp, nếu sau khi thôi việc người lao động chưa tìm được việc làm; thực hiện thủ tục chốt sổ BHXH, chuyển nơi tham gia BHXH, để cộng nối thời gian đóng nộp BHXH sau khi giao kết HĐLĐ ở đơn vị mới…
Theo luật sư, sau khi ông Hưng đơn phương chấm dứt HĐLĐ với doanh nghiệp cũ, trong thời gian yêu cầu doanh nghiệp cũ hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại Sổ BHXH và những giấy tờ khác đã giữ lại của ông Hưng, thì ông vẫn có thể giao kết HĐLĐ mới với bất kỳ doanh nghiệp nào khác, mà không cần thiết phải có ngay Quyết định nghỉ việc của doanh nghiệp cũ.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.