• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Quyền lợi NLĐ khi cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công

(Chinhphu.vn) – BHXH Việt Nam đã có hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động khi chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

07/04/2017 10:02

Theo đó, đối tượng đang tham gia BHXH, BHYT, BHTN tại đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Khoản 1, Điều 2 Thông tư số 35/2016/TT-BLĐTBXH mà sau khi đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần tiếp tục giữ chức danh, chức vụ hoặc làm công việc dưới đây tại công ty cổ phần thì thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN:

- Là người quản lý doanh nghiệp (thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Phó Giám đốc, Kế toán trưởng) có hưởng tiền lương.

- Là người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; hợp đồng lao động xác định thời hạn; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên trước ngày 1/1/2018; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên kể từ ngày 1/1/2018 đã giao kết với công ty cổ phần sau chuyển đổi.

Về mức đóng, phương thức đóng BHXH, BHYT, BHTN thực hiện theo quy định của Luật BHXH; Luật BHYT; Luật Việc làm; Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN

Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với người quản lý doanh nghiệp, người làm việc theo hợp đồng lao động tại công ty cổ phần sau chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.

Công ty cổ phần sau chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương và quyết định thang lương, bảng lương đối với lao động quản lý, lao động chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và công nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh, phục vụ làm căn cứ thỏa thuận để trả lương và tính đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Trường hợp công ty cổ phần mới được chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập chưa hoàn thành xây dựng thang lương, bảng lương và thỏa thuận mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác thì:

- Thực hiện tạm thu BHXH, BHYT, BHTN trên tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN của công chức, viên chức và người làm việc theo hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập tại tháng cuối cùng trước khi chuyển đổi (ghi bằng tiền đồng Việt Nam, không ghi theo hệ số lương), không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

- Khi công ty hoàn thành việc phê duyệt thang lương, bảng lương và thỏa thuận mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác thì điều chỉnh mức thu BHXH, BHYT, BHTN của người lao động đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm đóng đủ số tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN và tiền lãi chậm đóng (nếu có) đến thời điểm chấm dứt hoạt động và chuyển đổi thành công ty cổ phần. Trường hợp đến thời điểm chấm dứt hoạt động và chuyển đổi thành công ty cổ phần vẫn còn nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN thì BHXH tỉnh có trách nhiệm đôn đốc thu số tiền nợ bàn giao và số tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN phát sinh theo quy định.

Thu BHXH đối với người lao động dôi dư

Công chức, viên chức, người làm việc theo hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập tại tháng cuối cùng trước khi chuyển đổi thành công ty cổ phần đủ tuổi nghỉ hưu (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi) còn thiếu tối đa 6 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu, khi đơn vị sự nghiệp công lập đề nghị và thực hiện đóng thì cơ quan BHXH tỉnh, thành phố thực hiện thu BHXH một lần cho thời gian còn thiếu vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% tiền lương tháng đóng BHXH của tháng liền kề tháng trước khi người lao động nghỉ việc nhân với số tháng còn thiếu.

Theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 35/2016/TT-BLĐTBXH, chính sách đối với người lao động dôi dư do chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg có hiệu lực thực hiện kể từ ngày 10/12/2016.

Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án giải quyết lao động dôi dư từ ngày 10/12/2016 đến nay, thì căn cứ vào danh sách đã được phê duyệt và thời điểm đã tiếp nhận hồ sơ để giải quyết hưởng lương hưu theo quy định.

Chinhphu.vn