Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Số lượng tin, bài truyền thông chính sách tăng gần gấp đôi
Ngày 21/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg (Chỉ thị 07) về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách. Theo đó, truyền thông chính sách được xác định là nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước, với báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin chủ yếu.
Chỉ thị cũng nhấn mạnh, các cơ quan quản lý nhà nước cần có nguồn lực, nhân sự cho công tác truyền thông chính sách.
Thực hiện Chỉ thị số 07 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, nhận thức của các Bộ, ngành, địa phương về công tác này đã có chuyển biến tích cực.
Trong năm 2024, ngân sách các địa phương dành cho truyền thông chính sách tăng trung bình 10%, có những địa phương tăng tới 50% như Hải Phòng, Thanh Hóa. Từ đó, đã hình thành một mạng lưới truyền thông chính sách trên toàn quốc với hơn 13.000 đầu mối cung cấp thông tin cho báo chí.
91/93 bộ, ngành địa phương, xây dựng kế hoạch triển khai Chỉ thị 07 của Thủ tướng Chính phủ, nhờ đó công tác phối hợp truyền thông chính sách với các cơ quan báo chí có nhiều thuận lợi.
Số lượng tin, bài truyền thông chính sách chiếm khoảng gần 20% tổng số lượng tin, bài trên báo chí, tăng gần gấp đôi so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 07.
Ngày 14/6/2023, Bộ TT&TT cũng đã ban hành Thông tư số 05/2024/TT-BTTTT hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực báo chí. Văn bản có ý nghĩa quan trọng khi trao quyền cho các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí tự chủ hơn khi xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật.
Cổng TTĐT Chính phủ được khen thưởng thành tích xuất sắc trong thực hiện truyền thông chính sách
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, từ năm 2023, chính quyền các cấp đã bắt đầu tăng ngân sách đặt hàng cho báo chí. Mặt khác, trong dự thảo sửa đổi Luật Báo chí cũng có một mục về kinh tế báo chí, trong đó cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông nhưng kinh doanh để làm báo.
Theo bà Nguyễn Hương Giang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ TT&TT, triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, công tác truyền thông chính sách đã bám sát thực tế, lấy thực tế là thước đo, công khai, minh bạch, chủ động, kịp thời hơn. Đặc biệt nhiều bộ, ngành, địa phương, cơ quan đơn vị đã có những cách làm sáng tạo, đột phá, đạt hiệu quả cao.
Những kết quả này là minh chứng cho thấy Chỉ thị 07 của Thủ tướng Chính phủ đã được lan tỏa sâu rộng, tạo sự thay đổi, chuyển biến rõ nét về nhận thức, cách làm và nguồn lực truyền thông chính sách.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng bằng khen cho 22 tập thể có thành tích tiêu biểu xuất sắc, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển ngành TT&TT trong năm 2024.
Các tập thể nhận khen thưởng bao gồm: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Văn phòng Chính phủ; Ban Thời sự, VTV; Ban Văn hóa Xã hội, VOV; Văn phòng Bộ Tài chính; Văn phòng Bộ Nội vụ; Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Cục Phổ biến Giáo dục Pháp luật, Bộ Tư pháp; Cục Báo chí, Bộ TT&TT; các Sở TT&TT TP Hà Nội, TPHCM, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Đắc Nông, Cà Mau, TP Hải Phòng.
Tại một Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, truyền thông chính sách tốt là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và mang hơi thở cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách. Điều này sẽ gia tăng hiệu quả, hiệu lực của chính sách. Mục tiêu của truyền thông là phải xây dựng được niềm tin của người dân.
HM