Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời vấn đề này như sau:
Việc nuôi và mua bán chim săn mồi, chim hoang dã làm cảnh phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật.
Về nuôi các loài chim, các loài chim thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và các loài thuộc các Phụ lục CITES, khi nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, chủ nuôi phải bảo đảm điều kiện nuôi quy định tại Điều 14 (đối với nuôi phi thương mại), Điều 15 (đối với nuôi thương mại) và phải thực hiện đăng ký mã số cơ sở nuôi quy định tại Điều 14, Điều 15 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP.
Trường hợp không nuôi sinh sản, hoặc không nuôi sinh trưởng thì không thuộc đối tượng phải đăng ký mã số cơ sở nuôi. Tuy nhiên, chủ nuôi phải bảo đảm các điều kiện nuôi quy định tại Điều 14, Điều 15 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP và thực hiện các quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.
Các loài chim thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (không thuộc các Phụ lục CITES, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP) thì chủ nuôi phải bảo đảm điều kiện nuôi và đăng ký giấy phép nuôi loài được ưu tiên bảo vệ theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP.
Các loài chim là động vật rừng thông thường (quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP), chủ nuôi không phải đăng ký mã số cơ sở nuôi nhưng phải bảo đảm điều kiện nuôi quy định tại Điều 11 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP và thực hiện các quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản tại Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.
Điều kiện mua, bán các loài chim là động vật rừng
Về mua bán các loài chim, đối với các loài chim thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc các Phụ lục CITES, việc mua, bán thực hiện theo quy định tại Điều 72 Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14; Điều 9, Điều 19, Điều 20, Điều 21 và Điều 29 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP và Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT.
Đối với các loài chim là động vật rừng thông thường, việc mua, bán thực hiện theo quy định tại Điều 72 Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 và Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT.
Đối với các loài chim thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ không thuộc các Phụ lục CITES, hoặc không thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, việc mua, bán thực hiện theo quy định tại Điều 12 và Điều 15 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP.
Về việc mua bán trên Facebook, việc này còn phải thực hiện các quy định của pháp luật về thương mại, thuế, giao dịch điện tử, công nghệ thông tin và các quy định pháp luật khác có liên quan.