Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Là địa bàn chiến lược của cả nước, nhưng, miền rừng núi rộng lớn này còn nhiều khó khăn. Hiện 14 tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc có tới 32 huyện nằm trong danh sách 62 huyện nghèo của cả nước. Trong đó, các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng mỗi tỉnh có từ 5 - 7 huyện nghèo.
Bà Hoàng Thị Hạnh - Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc cho biết: Thời gian qua có nhiều cơ chế chính sách, giải pháp hỗ trợ cho vùng, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của chính quyền, nhân dân các địa phương, sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Qua đó, năm 2014, tăng trưởng GDP toàn vùng đạt 8,14%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 24,7 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng năm 2014 còn 18,2% (giảm 4,3% so với năm trước).
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết: Tổng dư nợ cho vay tại vùng Tây Bắc đến hết 2014 đạt 149.383 tỷ đồng, tăng 16,10% so với cùng kỳ 2013. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn chiếm 40,74% tổng dư nợ tín dụng toàn vùng và chiếm 8,17% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc.
Trong lĩnh vực tín dụng chính sách, NHCSXH cho biết, doanh số cho vay từ đầu năm 2003 đến hết năm 2014 là 56.234 tỷ đồng với 4.319.369 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được thụ hưởng vốn tín dụng chính sách.
Từ nguồn vốn này, 358.826 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn đi học, xây dựng được 151.983 căn nhà, 688.591 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 26.560 lao động đi xuất khẩu lao động, tạo việc làm cho 345.797 lao động từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Số hộ đã thoát nghèo trong vùng Tây Bắc là 634.099 hộ.
Tuy còn một số khó khăn, tồn tại trong hoạt động tín dụng chính sách ở vùng Tây Bắc, nhưng thời gian qua được sự quan tâm, tạo điều kiện của HĐQT NHCSXH, Ban chỉ đạo Tây Bắc, cấp uỷ, chính quyền các cấp trong khu vực, NHCSXH ở tất cả 14 tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, hội, đoàn thể hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ, triển khai nhiều biện pháp phù hợp để nâng cao chất lượng tín dụng cũng như chất lượng phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách.
Các NHCSXH tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Hoà Bình, Lào Cai… không chỉ duy trì giao dịch tại các xã, phường, thị trấn, mà còn đảm bảo giao dịch chính xác, an toàn, thuận lợi cho người dân từ khi vay vốn chính sách đến việc sử dụng vốn vay đầu tư vào phát triển kinh tế, giảm được nghèo và nâng cao đời sống.
Những người dân ở xóm Tam Hòa, xã Tân Sơn, huyện Mai Châu (Hoà Bình) vẫn nhắc đến cái tên chị Hà Thị Hậu như một điển hình về thoát nghèo. Nhờ được vay vốn ưu đãi của NHCSXH huyện và sự tận tình tư vấn của Hội Phụ nữ xã, chị đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gia súc. Từ khởi nghiệp với chuồng lợn nhỏ vài ba con, hiện, trong nhà chị Hậu có 5 con lợn nái và 20 con lợn thịt, bình quân xuất bán 3 lứa/năm. Ngoài ra, vợ chồng chị còn thu mua nông sản bán cho các thương lái, tăng thêm thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng. Chị thoát nghèo bền vững, sửa sang được nhà và được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn.
Còn ở vùng cao huyện Bảo Thắng (Lào Cai), “không có hơn 40 tỷ đồng của NHCSXH thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi thì dù có quyết tâm, địa phương chúng tôi cũng khó giảm được nghèo khó”, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phú Lương Văn Thuận khẳng định. Điều ông nói được minh chứng bằng những con số ấn tượng dù chỉ của riêng năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm còn 10,9% từ mức 18,7% trong năm 2013.
“Tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện là một giải pháp, sáng tạo, phù hợp và là một trong những động lực chính góp phần vào mục tiêu giảm nghèo ở vùng nghèo khó nhất so với cả nước”, bà Hoàng Thị Hạnh - Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc đánh giá về hoạt động tín dụng chính sách trên miền Tây Bắc,
Trong suốt 12 năm qua, toàn hệ thống NHCSXH nói chung và các đơn vị trên miền Tây Bắc nói riêng đã không quản ngại khó khăn, làm tốt việc huy động nguồn lực tài chính tổ chức đưa nhanh nguồn vốn ưu đãi đúng đối tượng thụ hưởng. Trong thời gian tới, lãnh đạo NHCSXH khẳng định, cơ quan này luôn sẵn sàng phục vụ nhân dân tận tình, trở thành công cụ hữu hiệu nhất trong giảm nghèo bền vững, khai thác tiềm năng, lợi thế vùng Tây Bắc của Tổ quốc.
Bên cạnh việc triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, NHCSXH đã tích cực thực hiện các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội vì cuộc sống cộng đồng trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Bắc thông qua các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng nhà ăn cho học sinh bán trú ở một số trường dân tộc nội trú, xây điểm trường, lớp học cho trẻ em khuyết tật; trao tặng máy tính, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo tại một số địa bàn khó khăn... Tổng số tiền NHCSXH đã hỗ trợ thực hiện các hoạt động xã hội từ thiện là 4,693 tỷ đồng. Năm 2015, NHCSXH sẽ trao tặng bò giống giúp người nghèo biên giới, tặng quà cho lực lượng vũ trang, hộ nghèo, học sinh dân tộc nội trú vùng khó khăn... số tiền dự kiến khoảng 3 tỷ đồng. |