Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Thanh Thủy |
Tại hội nghị “Xây dựng kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình BSGĐ giai đoạn 2016-2020” do Bộ Y tế tổ chức ngày 4/3 tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết sẽ nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ theo lộ trình để đến hết năm 2020, có ít nhất 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai phòng khám BSGĐ.
Ở Việt Nam, mô hình BSGĐ đã được Bộ Y tế công nhận từ năm 2000. Đến nay sau 15 năm, cả nước đã có hơn 500 bác sĩ chuyên khoa cấp I; 70 bác sĩ định hướng y học gia đình được đào tạo.
Trong Đề án thí điểm BSGĐ năm 2013-2015, cả nước đã kiện toàn và thành lập được 240 phòng khám BSGĐ tại 5 địa phương là TPHCM, Hà Nội, Khánh Hoà, Thừa Thiên-Huế và Tiền Giang. Các phòng khám này đã khám chữa bệnh cho hơn 807.000 lượt bệnh nhân; thực hiện hơn 183.000 ca xét nghiệm, hơn 12.000 ca thủ thuật và tư vấn cho hơn 10.000 lượt người.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), quá trình triển khai thí điểm mô hình này còn gặp nhiều khó khăn. Đó là nhân lực hạn chế, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề còn phức tạp; chưa xây dựng được cơ chế phối hợp, chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám BSGĐ với hệ thống khám chữa bệnh trong quá trình quản lý bệnh nhân; phí dịch vụ còn mang tính tự phát, chưa xây dựng được mẫu bệnh án...
Đặc biệt, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, trở ngại lớn nhất để phát triển mô hình BSGĐ chính là việc người dân chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng khám chữa bệnh của mô hình này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, để có thể thực hiện được mục tiêu 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai phòng khám BSGĐ, ngành y tế cần chú trọng đẩy mạnh việc đào tạo, phát triển đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng cho mô hình này. Trước mắt, có thể sử dụng các bác sĩ đa khoa và cấp chứng chỉ cho họ để họ tham gia vào mô hình BSGĐ. Về lâu dài, cần mở các khoa về y học gia đình tại tất cả các trường y trong cả nước để bổ sung nguồn nhân lực còn thiếu.
Về cơ chế quản lý, cần tạo sự thống nhất trong mô hình BSGĐ của cả nước, theo đó, thống nhất các mẫu hồ sơ quản lý sức khoẻ, bệnh án điện tử BSGĐ để áp dụng thống nhất và quản lý nhanh, toàn diện.
Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư tương xứng về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các phòng khám BSGĐ để bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu KCN ban đầu ngày càng cao của người dân.
Đặc biệt, cần tăng cường truyền thông, quảng bá để cộng đồng thay đổi cách nhìn nhận về tuyến y tế cơ sở, nơi chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho từng cá nhân trong cộng đồng.
Thanh Thuỷ