Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại Lễ kỷ niệm, GS.TS Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng trường Đại học Dược Hà Nội cho biết, từ nguồn lực ban đầu Nhà trường chỉ có 37 giảng viên, 9 bộ môn chuyên môn và 500 sinh viên theo học một ngành duy nhất là ngành dược.
Đến nay, Nhà trường đã có những bước phát triển vượt bậc, với 400 cán bộ giảng viên, 8 khoa chuyên môn, 1 viện công nghệ dược phẩm quốc gia, 1 trung tâm thông tin quốc gia và gần 6.000 học viên, sinh viên đang theo học 4 ngành đào tạo đại học, 7 ngành đào tạo thạc sĩ, 7 ngành đào tạo tiến sĩ, 2 ngành đào tạo chuyên khoa 1 và 2.
Số dược sĩ có trình độ đại học do trường Đại học Dược Hà Nội đào tạo chiếm trên 50% tổng số dược sĩ trên toàn quốc, đặc biệt, số dược sĩ có trình độ sau đại học chiếm trên 80% số dược sĩ trên cả nước.
Trong 10 năm gần đây, Nhà trường chủ trì thực hiện khoảng 50 đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia, 42 đề tài cấp Bộ và tương đương; có 25 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích... Các tiêu chí về khoa học và công nghệ của Nhà trường được xếp hạng Top 10 tiêu chuẩn nhiệm vụ khoa học công nghệ và sáng chế; Top 35 tiêu chuẩn công bố bài báo khoa học theo xếp hạng Top 100 trường đại học của Việt Nam trong 3 năm trở lại đây.
Mục tiêu thời gian tới của Nhà trường là phát triển thành trường Đại học đa ngành, định hướng nghiên cứu, kết hợp với thực hành nghề nghiệp. Từ đó trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao, trung tâm khoa học công nghệ và chuyển giao nghiên cứu uy tín trong nước và khu vực.
"Khi đó, sinh viên của Nhà trường sẽ được phát huy tinh thần sáng tạo, đam mê, được tự chủ, tự chịu trách nhiệm và được rèn luyện để sẵn sàng thích nghi với môi trường toàn cầu hoá như hiện nay", GS Nguyễn Hải Nam chia sẻ.
Tới dự Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã chúc mừng và bày tỏ sự tri ân sâu sắc tới các thế hệ lãnh đạo, giảng viên, sinh viên và học viên của Trường, đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, nghiên cứu và phát triển ngành dược Việt Nam.
Bộ trưởng nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu phấn đấu ngành dược của Việt Nam phải trở thành một ngành mũi nhọn, phát triển kinh tế xã hội của đất nước, ngoài những giải pháp về chuyên môn, kỹ thuật thì có một giải pháp rất quan trọng, đó là tập trung cho nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành dược.
"Những người sẽ thực hiện nhiệm vụ này, không ai khác là các trường đại học y, dược trên cả nước. Trong đó, với bề dày kinh nghiệm 110 năm, trường Đại học Dược Hà Nội sẽ là một trong những cơ sở hàng đầu của cả nước tập trung triển khai nhiệm vụ quan trọng này", Bộ trưởng khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng, thời gian qua, ngành dược nước ta có bước phát triển tương đối mạnh mẽ, quy mô thị trường dược đạt mốc 7 tỷ USD, có hệ thống 180 cơ sở nhập khẩu dược phẩm, 238 đơn vị sản xuất dược đạt chuẩn GMP, trên 5.100 đơn vị bán buôn dược phẩm, trên 65.000 cơ sở bán lẻ dược phẩm trên cả nước, tỷ lệ dược sĩ trên 1 vạn dân đáp ứng mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, để hướng tới các giải pháp phát triển ngành công nghiệp dược trong thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng, các trường đại học y, dược cần phải cung cấp được một lượng nhân lực đáp ứng các công tác nghiên cứu, sản xuất, thực hành dược trên cả nước.
Đối với trường Đại học Dược Hà Nội, đến năm 2030 cần phấn đấu trở thành một trong những trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu không chỉ của Việt Nam mà của cả khu vực và thế giới, Bộ trường đề nghị Nhà trường cần tiếp tục phát huy truyền thống đào tạo chất lượng cao, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tăng cường kết nối và hợp tác quốc tế, chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ nghiên cứu, đồng thời phục vụ cộng đồng và xã hội.
Các hoạt động này không chỉ nâng cao hình ảnh của Nhà trường mà còn khẳng định vai trò quan trọng của Nhà trường trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Hiền Minh