Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo đại biểu, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tìm ra nhiều giải pháp ứng phó hiệu quả để sản lượng lúa cả nước duy trì tốt, đặc biệt năm 2023 đạt trên 43 triệu tấn, bảo đảm nhu cầu trong nước và xuất khẩu, song thu nhập từ nông nghiệp vẫn còn có sự chênh lệch giữa các vùng; thu nhập của nông dân vẫn còn thấp trước yêu cầu của cuộc sống.
Hiện nay quy trình trồng lúa có 8 bước cơ bản, từ việc chọn giống, chuẩn bị đất trồng, chuẩn bị hệ thống tưới tiêu, gieo hạt lúa, quá trình chăm sóc cây lúa phát triển, đánh giá sẵn sàng thu hoạch, phương pháp thu hoạch lúa và quá trình lưu thông tiêu thụ. Ở mỗi bước có nhiều công đoạn ứng với mỗi công đoạn là khó khăn mà nông dân gặp phải.
Từ thực trạng trên, đại biểu kiến nghị Chính phủ ưu tiên tiếp tục khuyến khích nhà khoa học nông nghiệp chuyển gen công nghệ sinh học, công nghệ lai tạo phát triển giống cây trồng mới cho năng suất cao, chịu hạn, phòng sâu bệnh, được kiểm định và quản lý chặt chẽ, cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn và cấp mã vùng trồng, công bố chất lượng kết hợp chỉ dẫn địa lý để nông dân có sự lựa chọn.
Sớm đầu tư và vận hành hệ thống kho dự trữ lúa gạo với đầy đủ trang thiết bị đặt tại ba vùng trồng lúa tập trung của cả nước, để đảm bảo chất lượng lúa gạo sau thu hoạch.
Có chính sách trợ giá để bình ổn giá lúa gạo cho nông dân, mức giá thu mua cần tính đủ các mức chi phí thành phần, đảm bảo nông dân có lãi trên 30%.
Cùng với đó, Chính phủ phân công các bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm dự báo thị trường xúc tiến thương mại, quản lý để đảm bảo vùng trồng lúa.
Đại biểu cũng cho rằng, vào các đợt cao điểm mùa vụ, nông dân phải chịu giá các loại phân bón, giá thuốc bảo vệ thực vật tăng mạnh, rất cần doanh nghiệp phát huy trách nhiệm xã hội, tối đa công suất, hạ giá thành bằng cách giảm các chi phí, giảm các đầu mối trung gian phân phối phân bón; ưu tiên trước hết cho sản xuất nông nghiệp trong nước và sau đó mới tính tới xuất khẩu. Vì thế, Chính phủ nên áp dụng chính sách thuế linh hoạt theo biểu thuế tự động.
Về phát triển nông nghiệp hiện đại, đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị Chính phủ tiếp tục tạo cơ chế khuyến khích liên kết chặt chẽ 6 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà phân phối và nhà băng mạnh hơn, hiệu quả hơn nữa, bằng cách Nhà nước đóng vai trò điều tiết rà soát sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan một cách đồng bộ và có đủ cơ sở pháp lý ràng buộc các nhà để mỗi nhà làm tốt nhất trách nhiệm của mình trong chuỗi liên kết.
Chính phủ tạo cơ chế chính sách điều hành tín dụng, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; mở rộng mạng lưới của các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân nông thôn tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng.
Chính phủ cần có chính sách dạy nghề cho nhà nông chuyên nghiệp về kinh tế nông nghiệp để tăng cường khả năng nhận biết các dấu hiệu thị trường và năng lực kinh doanh; sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai; kết hợp với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp thông qua các tổ chức liên kết.
Hình thành các hiệp hội có sự tham gia sâu rộng của các doanh nghiệp, tập đoàn, hợp tác xã. Sau khi thu hoạch người nông dân được chủ động quyết định giá trị do mình tạo ra.
Về nông thôn văn minh, đại biểu kiến nghị Chính phủ xây dựng các dữ liệu thu trực tiếp trên đồng ruộng của người dân qua các khâu tổ chức, quản lý và sản xuất để hỗ trợ đưa ra các quyết định có căn cứ khoa học và đây chính là xu thế toàn cầu.
Chính phủ đầu tư phát triển các hệ thống giao thông, hệ thống thủy lợi cấp thoát nước. Tạo cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến tại các địa phương ở ba vùng trồng lúa, phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản và ngành nghề dịch vụ ở nông thôn gắn với du lịch sinh thái.
Hải Liên