Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận và đánh giá cao cấp ủy, chính quyền, quân và Nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã nỗ lực, cố gắng, đoàn kết, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đạt được nhiều kết quả nổi bật, quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2022 của Tỉnh đạt 8,71% và phục hồi mạnh mẽ hơn so với năm 2021; du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh, năm 2022 tổng lượt khách du lịch đạt 3,2 triệu lượt với doanh thu đạt 2.800 tỷ đồng, bằng 3,29 lần so với năm 2021; thu ngân sách nhà nước các năm 2021, 2022 đều vượt dự toán Trung ương giao khoảng 21%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian từ nay đến cuối năm 2023, Sơn La cần tiếp tục phấn đấu, vượt qua một số khó khăn, thách thức như: GRDP quý I/2023 tăng chậm hơn so với GDP cả nước (đạt 2,09%); tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 04 tháng đầu năm 2023 còn hạn chế (đạt 11,73% Kế hoạch được giao); chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan (SIPAS) năm 2022 giảm 11 bậc, đứng thứ 17/63 tỉnh, thành phố; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn cao (17,83%), đời sống của người dân ở một số xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn gặp nhiều khó khăn...
Theo Thông báo, bối cảnh tình hình thế giới và trong nước từ nay đến cuối năm 2023 sẽ có thuận lợi, khó khăn, thời cơ đan xen với thách thức; để phát huy các thành tựu, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, tỉnh Sơn La và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan cần lưu ý một số quan điểm, nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tập trung sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân để thực hiện thành công các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra.
Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để làm động lực thúc đẩy và khơi thông "dòng chảy" sản xuất, tiêu dùng hàng hóa – dịch vụ. Kiên quyết rà soát, thực hiện điều chuyển vốn đầu tư công từ các đơn vị, dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các đơn vị, dự án có khả năng giải ngân cao. Phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023.
Khẩn trương hoàn thành công tác lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch tỉnh trong Quý III năm 2023 bảo đảm bám sát chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và phù hợp với điều kiện tự nhiên, lợi thế, tiềm năng của địa phương. Chú trọng nghiên cứu phát triển một số lĩnh vực sau: (i) Công nghiệp chế biến nông sản, năng lượng tái tạo; (ii) Nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao gắn với phát triển vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; (iii) Phát triển lâm nghiệp bền vững và nuôi trồng dược liệu có giá trị gia tăng cao: (iv) Du lịch với sản phẩm đa dạng, gắn với phát huy, bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống và cảnh quan thiên nhiên đặc hữu.
Là Tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, Sơn La phải tiếp tục làm tốt công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc; thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo sinh kế bền vững, nâng cao mức thụ hưởng vật chất và đời sống tinh thần của Nhân dân; đồng thời bảo tồn, phát huy không gian văn hóa, bản sắc riêng của từng dân tộc, đảm bảo sự thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.
Đồng thời chủ động đề xuất và tích cực tham gia trong các hoạt động liên kết Vùng, nhất là các lĩnh vực quy hoạch, phát triển hạ tầng, phát triển các ngành, chuỗi sản phẩm liên kết, xúc tiến đầu tư, xử lý môi trường.
Đối với một số kiến nghị, đề xuất của Tỉnh, Thông báo nêu rõ:
Về Đề án Xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Sơn La tại huyện Mộc Châu: Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La nghiên cứu, cập nhật Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong quá trình lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo quy định. Trên cơ sở Quy hoạch được duyệt, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, hỗ trợ Tỉnh xây dựng Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao và các quy định của pháp luật liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Về việc nâng cấp cửa khẩu Pa Háng (Hủa Phăn) thành Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập - Pa Háng: Giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La và các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 182/NQ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về việc nâng cấp cửa khẩu chính Lóng Sập, tỉnh Sơn La thành cửa khẩu quốc tế; tiếp tục trao đổi, thúc đẩy, phối hợp với phía Lào thực hiện các thủ tục cần thiết để nâng cấp cửa khẩu Pa Háng thành cửa khẩu quốc tế, tiến tới tổ chức Lễ công bố khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Lóng Sập (tỉnh Sơn La) - Pa Háng (tỉnh Hủa Phăn); báo cáo cấp có thẩm quyền những nội dung vượt thẩm quyền.
Về kiến nghị giao vốn (2.110 tỷ đồng) để tỉnh Sơn La sớm triển khai công tác hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào vùng tái định cư thủy điện Sơn La: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị của Tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2023.
Lan Phương