Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Chưa bao giờ có nhiều ý kiến về thông tin thống kê như hiện nay. Cũng chưa bao giờ thông tin thống kê lại được Chính phủ sử dụng nhiều như Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.
Không kể các con số ở phần thứ hai (mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2014-2015), chỉ tính ở phần thứ nhất (tình hình kinh tế-xã hội năm 2013, kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015), thì phần lời văn Báo cáo đã có 73 con số; nếu kể cả 241 con số ở 56 chú thích kèm theo Báo cáo thì lên đến 314 con số.
Báo cáo của Chính phủ đã sử dụng các con số thống kê để minh họa cụ thể hơn các kết quả hoặc hạn chế, bất cập, giảm dần các đánh giá, nhận xét chung chung, theo thông lệ trong nhiều năm ở nhiều báo cáo của các ngành, các cấp (như tích cực, đáng khích lệ, cố gắng, tăng cường, đẩy mạnh…).
Kỳ này, Báo cáo của Chính phủ đã sử dụng nhiều con số phản ánh chất lượng, phản ánh xu thế chuyển biến, nhiều con số có tính nhạy cảm như: Tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán; dự trữ ngoại hối tính bằng tuần nhập khẩu; dư nợ công, dư nợ Chính phủ, dư nợ nước ngoài/GDP; hệ số ICOR; tốc độ tăng năng suất lao động; tiêu hao điện năng trên 1 đơn vị GDP; tốc độ tăng nợ xấu/tháng và tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế; một số thông tin về việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, về phát hiện tham nhũng và xử lý tham nhũng, về văn hóa, xã hội, thiệt hại do thiên tai/GDP…
Việc sử dụng con số thống kê với “mật độ” khá cao đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với hoạt động thống kê, là đòi hỏi cao của Chính phủ đối với hoạt động thống kê, đồng thời cũng có sự đánh giá về độ tin cậy của thông tin thống kê. Nhiều con số thống kê đã “biết nói” trong Báo cáo của Chính phủ.
Từ Báo cáo của Chính phủ và phát biểu của một số đại biểu Quốc hội cho thấy, Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục nâng cao chất lượng thông tin thống kê, không chỉ các chỉ tiêu số lượng, có tính mô tả, mà cần tăng cường hơn nữa các chỉ tiêu chất lượng, một số chỉ tiêu phân tích, dự báo.
Báo cáo của Chính phủ không chỉ đánh giá tình hình KT-XH năm 2013, mà còn đánh giá 3 năm, đề ra mục tiêu cho năm 2014 và 2014-2015. Vì thế, ngành Thống kê và các bộ, ngành cần cung cấp thêm các chỉ tiêu, như sự đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP), chỉ số phát triển con người (HDI), chỉ số phát triển liên quan đến giới (GDI), chỉ số vai trò của phụ nữ (GEM), chỉ số bất bình đẳng giới (GII)…
Trong đó có 2 vấn đề đáng lưu ý.
Thứ nhất, thông tin thống kê có vai trò quan trọng đối với việc đánh giá, giám sát, kiểm tra thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, cũng như đối với việc xây dựng kế hoạch, chính sách. Đối tượng sử dụng thông tin thống kê đã được mở rộng, không những các nhà hoạch định chính sách vĩ mô, mà cả các nhà quản lý điều hành vi mô, cả các chuyên gia, cả người dân. Việc mở rộng này đã thể hiện việc tiếp cận và sử dụng thông tin thống kê trong hoạt động của mình.
Thứ hai, bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động thống kê cũng còn những hạn chế, bất cập. Việc này cần được tiếp tục, đặt ra cho ngành Thống kê cần phải nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng thông tin; đồng thời đòi hỏi cần có sự sửa đổi Luật Thống kê để bảo đảm cho hoạt động thống kê được độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện mô hình tập trung kết hợp với phân tán, ưu tiên đầu tư ứng dụng khoa học-công nghệ để bảo đảm nhanh chóng hơn, chính xác hơn, ít bị can thiệp của tư tưởng thành tích hơn…
Minh Ngọc