Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bà Nguyễn Thị Hồng Hương (TPHCM) làm việc tại công ty liên doanh, thành lập bởi một doanh nghiệp (có vốn Nhà nước sở hữu gần 80%, không phải là doanh nghiệp Nhà nước theo Luật Doanh nghiệp 2014) và một doanh nghiệp tư nhân (không có vốn Nhà nước).
Công ty bà Hương đang tiến hành lựa chọn các nhà thầu tư vấn, dịch vụ (bằng vốn của công ty) để thực hiện đầu tư dự án.
Bà Hương hỏi, trường hợp này, việc lựa chọn nhà thầu của Công ty có bắt buộc phải thực hiện đấu thầu theo các quy định pháp luật hiện hành hay không? Nếu có thì áp dụng theo trường hợp nào của Luật Đấu thầu?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Điểm c, Khoản 1, Điều 1 và Khoản 44, Điều 4 Luật Đấu thầu quy định dự án đầu tư phát triển không thuộc Điểm a và Điểm b khoản này có sử dụng vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp Nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Vốn Nhà nước bao gồm vốn ngân sách Nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn vay được bảo đảm bằng tài sản của Nhà nước, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước; giá trị quyền sử dụng đất.
Đối với trường hợp của bà Hương, do công ty không phải là doanh nghiệp Nhà nước nên căn cứ theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 1 Luật Đấu thầu nêu trên, nếu dự án đầu tư phát triển của công ty có sử dụng vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp Nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án thì dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm xác định vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp Nhà nước trong tổng mức đầu tư của dự án.