Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM - Ảnh: VGP/Lê Anh
Hiện nay, Quốc hội đang lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều về Hiến pháp 2013 với 2 nhóm vấn đề: Nhóm thứ nhất, về mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và nhóm thứ hai, quy định về quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Góp ý cho 2 vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, LS. Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, việc sửa đổi, bổ sung lần này là yêu cầu cấp bách để thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và các kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Theo LS. Nguyễn Văn Hậu, thực tiễn hơn 11 năm thi hành Hiến pháp 2013 cho thấy, bên cạnh những thành tựu quan trọng, các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và mô hình tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định.
Đối với MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, còn có sự trùng lắp, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ, đối tượng vận động. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội tuy đã được quy định nhưng hiệu quả chưa cao, có lúc còn hình thức, né tránh, thiếu cơ chế theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị sau giám sát. Việc tập hợp ý kiến nhân dân có nơi, có lúc chưa kịp thời, sâu sát. Quyền trình dự án luật, pháp lệnh của các tổ chức thành viên còn hạn chế.
Đối với tổ chức chính quyền địa phương, mô hình 3 cấp bộc lộ sự cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, dẫn đến chồng chéo nhiệm vụ. Sự tồn tại của cấp huyện làm tăng thủ tục hành chính, chậm triển khai chính sách. Nhiều đơn vị hành chính quy mô nhỏ làm phân tán nguồn lực. Năng lực và thẩm quyền của chính quyền cấp xã còn hạn chế. Việc phân cấp, phân quyền giữa các cấp chưa thực sự mạnh mẽ.
"Những bất cập trên đòi hỏi phải có sự điều chỉnh về mặt hiến định để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này là hoàn toàn cần thiết và đúng đắn", LS. Nguyễn Văn Hậu cho biết.
Về sửa đổi, bổ sung Điều 9 Hiến pháp (Khoản 1 Điều 1 Dự thảo), theo LS. Nguyễn Văn Hậu: Việc Dự thảo quy định các tổ chức chính trị - xã hội lớn trực thuộc MTTQ Việt Nam, hoạt động thống nhất và phối hợp dưới sự chủ trì của Mặt trận là một thay đổi căn bản, phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy, khắc phục sự chồng chéo. Điều này không chỉ khẳng định vai trò trung tâm của MTTQ Việt Nam mà còn làm rõ hơn các chức năng, nhiệm vụ cốt lõi, như tập hợp, đoàn kết, đại diện, bảo vệ quyền lợi nhân dân, thực hiện dân chủ, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, để phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp mà không làm mất đi tính chủ động, đặc thù của từng tổ chức thành viên, cơ chế "chủ trì" và "thống nhất hành động" cần được cụ thể hóa. Đặc biệt, chức năng giám sát, phản biện xã hội cần có cơ chế đảm bảo hiệu quả thực thi mạnh mẽ hơn, khắc phục tình trạng hình thức, né tránh còn tồn tại.
Do đó, bên cạnh việc đồng ý với hướng sửa đổi tại Dự thảo, ông Nguyễn Văn Hậu kiến nghị trong Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn cần quy định cụ thể quy chế phối hợp chi tiết giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp với các tổ chức thành viên cùng cấp, phân định rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp trong từng lĩnh vực.
Cần có cơ chế ra quyết định chung đảm bảo nguyên tắc hiệp thương dân chủ đối với những vấn đề liên quan đến nhiều tổ chức. Quan trọng là phải thiết lập cơ chế pháp lý hữu hiệu để đảm bảo các kiến nghị sau giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam được các cơ quan Nhà nước tiếp thu, giải trình, xử lý nghiêm túc, có thể xem xét bổ sung quy định về trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và kiến nghị xử lý trách nhiệm vào Điều 9 Hiến pháp hoặc luật chuyên ngành. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước và đảm bảo nguồn lực cho hoạt động này của Mặt trận.
Về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 84 Hiến pháp (Khoản 3 Điều 1 Dự thảo), LS. Hậu tán thành với nội dung Dự thảo về Điều 84. Tuy vậy, để đảm bảo tiếng nói và các đề xuất chính đáng từ các tổ chức thành viên đại diện cho các giới, các ngành vẫn được xem xét trong quá trình lập pháp, theo LS. Hậu, cần thiết lập một cơ chế cụ thể trong Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi). Cơ chế này quy định trách nhiệm của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong việc chủ động tiếp nhận, tổng hợp, nghiên cứu các đề xuất, sáng kiến xây dựng luật, pháp lệnh từ các tổ chức thành viên. Khi nhận thấy đề xuất là cần thiết và phù hợp, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ thực hiện quyền trình dự án luật, pháp lệnh theo thẩm quyền.
Về sửa đổi, bổ sung Điều 110 Hiến pháp (Khoản 4 Điều 1 Dự thảo), theo LS. Nguyễn Văn Hậu, Dự thảo Điều 110 quy định khái quát các đơn vị hành chính (ĐVHC) gồm cấp tỉnh và các ĐVHC dưới cấp tỉnh, thay vì liệt kê chi tiết 3 cấp như trước đây, là một điều chỉnh hợp lý. Cách quy định này tạo sự linh hoạt cho luật định sau này trong việc tổ chức mô hình 2 cấp chính quyền, đồng thời đảm bảo tính ổn định lâu dài cho Hiến pháp. Giao Quốc hội quy định chi tiết việc xác định loại ĐVHC dưới cấp tỉnh và trình tự, thủ tục liên quan cũng phù hợp với thẩm quyền lập pháp.
Tuy nhiên, để tăng tính rõ ràng, LS. Hậu kiến nghị có thể cân nhắc diễn đạt lại Khoản 1 Điều 110 theo hướng chỉ rõ có 2 cấp hành chính là cấp tỉnh và cấp cơ sở. Việc xác định tên gọi cụ thể của cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn, đặc khu...) sẽ do luật quy định. Bên cạnh đó, cần làm rõ và thống nhất việc sử dụng thuật ngữ "Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt" và "đặc khu" trong hệ thống pháp luật. Quan trọng là Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sắp tới cần có các tiêu chí phân loại, thành lập, sáp nhập ĐVHC rõ ràng, khoa học, có tính đến yếu tố đặc thù, tránh chủ quan, đồng thời phải có quy định cụ thể về mô hình quản lý các đô thị cấp huyện trước đây sau khi cấp này bị bãi bỏ.
Về hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp (Điều 2 Dự thảo), LS. Nguyễn Văn Hậu cho rằng, đây là nội dung cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi. Các quy định chuyển tiếp cần đảm bảo tính toàn diện, chi tiết, khả thi để hệ thống chính trị vận hành thông suốt và đời sống người dân ít bị ảnh hưởng nhất.
Liên quan đến việc kết thúc hoạt động của ĐVHC cấp huyện, cần có quy định cụ thể về quy trình, thời hạn bàn giao công việc, hồ sơ, tài chính, tài sản công, biên chế. Cần làm rõ cơ chế kế thừa quyền và nghĩa vụ pháp lý, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, vụ án dở dang, cũng như khẳng định hiệu lực của các văn bản do cấp huyện đã ban hành.
Về nhân sự, bên cạnh việc chỉ định các chức danh lãnh đạo trong giai đoạn chuyển tiếp, cần có chính sách tổng thể, nhân văn để sắp xếp, giải quyết chế độ cho đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện. Ngoài ra, việc cho phép chỉ định người không phải đại biểu HĐND giữ chức danh lãnh đạo HĐND cũng cần hết sức cân nhắc.
Đối với việc giải quyết thủ tục hành chính, cần có hướng dẫn cụ thể về việc chuyển giao, tiếp nhận các hồ sơ đang giải quyết tại cấp huyện, công khai địa điểm, cơ quan xử lý mới, tránh gây phiền hà, đùn đẩy trách nhiệm. Đặc biệt, vấn đề điều chỉnh thông tin trên giấy tờ của công dân, tổ chức khi thay đổi ĐVHC cần có quy định chuyển tiếp hết sức thuận lợi. Nên khẳng định giấy tờ cũ còn giá trị sử dụng, việc điều chỉnh chỉ thực hiện khi có yêu cầu hoặc cấp đổi, cấp mới, đồng thời nghiên cứu lộ trình cấp đổi đồng loạt, miễn phí hoặc giảm phí.
Để đảm bảo việc triển khai thống nhất và kịp thời, LS. Nguyễn Văn Hậu đề nghị bổ sung vào Điều 2 một khoản giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung chuyển tiếp. Đồng thời, Chính phủ và các bộ, ngành khẩn trương rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để phù hợp với Hiến pháp sửa đổi, có thể đặt ra thời hạn hoàn thành cụ thể.
LS. Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh: "Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là nhiệm vụ chính trị - pháp lý hệ trọng, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Tôi tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học của các cơ quan nhà nước và sự đồng thuận của nhân dân, công cuộc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sẽ thành công tốt đẹp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng vững mạnh, thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân".
Lê Anh (thực hiện)