Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Tài chính cho biết, sau gần 08 năm thực hiện, Nghị định 84 đã đi vào cuộc sống, là cơ sở pháp lý cho Bộ Tài chính trong việc xem xét, chấp thuận kiểm toán viên hành nghề, tổ chức kiểm toán thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng, bao gồm đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán và đơn vị có lợi ích công chúng khác. Có thể đánh giá, quy định của Nghị định này là căn cứ để các doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề tuân thủ và thực hiện nghiêm túc pháp luật về kiểm toán độc lập và pháp luật khác có liên quan.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua công tác kiểm tra, giám sát và theo dõi thi hành cho thấy một số quy định của Nghị định 84 đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, cụ thể như sau:
Một là, các trường hợp không được xem xét, chấp thuận cần được quy định rõ ràng hơn.
Hai là, việc xử lý đối với các hợp đồng kiểm toán đã ký trong trường hợp không được xem xét chấp thuận cần được quy định cụ thể đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của các bên ký kết hợp đồng.
Ba là, một số quy định cần được quy định đơn giản hơn đảm bảo sự thống nhất trong cách hiểu và thực hiện của các cơ quan trong quá trình quản lý.
Từ các vấn đề phát sinh từ thực tiễn nêu trên, việc kịp thời ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 84 là cần thiết nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong triển khai thực hiện.
Điều 7 Nghị định 84 quy định tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề không được xem xét chấp thuận, trong đó điểm e, điểm k khoản 1 quy định các trường hợp:
- (e) Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hành nghề kiểm toán và đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật trong năm được xem xét.
- (k) Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề không thực hiện thông bảo, báo cáo theo quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập.
Theo quy định như trên, kiểm toán viên, doanh nghiệp kiểm toán có nghĩa vụ thông báo, báo cáo hàng năm cho Bộ Tài chính để đảm bảo yêu cầu quản lý chất lượng dịch vụ. Cụ thể, ngoài báo cáo duy trì điều kiện hành nghề kiểm toán của kiểm toán viên, báo cáo tình hình duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán của doanh nghiệp kiểm toán, báo cáo tự kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán, còn các báo cáo về thông tin của thị trường dịch vụ (Báo cáo tình hình hoạt động). Với quy định như vậy, khi có hành vi không thực hiện thông báo, báo cáo theo quy định của pháp luật thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán sẽ không được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng.
Đối với các hành vi như trên, Bộ Tài chính nhận thấy mức độ xử lý về phạt vi phạm hành chính là phù hợp, nếu không chấp thuận cho tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề sẽ ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán. Trong chừng mực nhất định, gián tiếp ảnh hưởng đến cung dịch vụ trong bối cảnh các đơn vị có lợi ích công chúng ngày càng gia tăng, có nhu cầu lựa chọn dịch vụ từ nhiều tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề khác nhau.
Từ thực tế nêu trên, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 84 theo hướng phân loại cụ thể hơn hành vi không được xem xét để có biện pháp xử lý vi phạm phù hợp hơn tại điểm e, điểm k khoản 1 Điều 7 Nghị định 84. Theo đó, điểm e, điểm k khoản 1 Điều 7 Nghị định 84 được sửa đổi, bổ sung như sau:
e) Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về cùng một hành vi vi phạm pháp luật kiểm toán độc lập từ 02 lần trở lên trong vòng 24 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ.
k) Tính đến thời điểm nhận hồ sơ, tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề không nộp theo quy định một trong các báo cáo sau: Báo cáo duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán; Báo cáo duy trì hành nghề kiểm toán; Báo cáo tự kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Lan Phương