Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo ngữ nghĩa, “Liêm” tức là trong sạch, “Chính” nghĩa là thẳng thắn. Việc xây dựng một Chính phủ liêm chính cũng chính là xây dựng một bộ máy hành pháp trong sạch, minh bạch, công khai. Biểu hiện của nó là không tham nhũng, tham ô, không quan liêu, tham quyền, cố vị, thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí; xây dựng chính quyền gần dân trên cơ sở cải cách thủ tục hành chính công và thái độ phục vụ nhân dân của bộ máy công bộc...
Thông điệp xây dựng một Chính phủ liêm chính, trong sạch, gần dân, vì dân, đấu tranh mạnh mẽ với tệ nạn tham nhũng, lãng phí được đưa ra hồi đầu tháng 5/2016 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc như một luồng gió mới thổi sâu vào đời sống xã hội của cả đất nước, đặc biệt tiếp thêm sức mạnh cho bộ máy Chính phủ quyết tâm đấu tranh chống nạn tham nhũng hiện nay và xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Thông điệp này tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị, quan điểm, đường lối trong công cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng. Quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính của Thủ tướng cũng chính là mong đợi lớn nhất của người dân và chỉ có Chính phủ liêm chính mới có sức mạnh để tấn công, diệt trừ tệ nạn tham nhũng, mặc dù chúng ta rất quyết tâm loại bỏ nhưng kết quả chưa được như mong đợi.
Để xây dựng một Chính phủ liêm chính, cần chú ý những nội dung cơ bản sau:
Cải cách chất lượng công tác cán bộ
Thời gian qua, năng lực và thực tế hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức còn bộc lộ những yếu kém làm chậm tiến trình cải cách và giảm hiệu quả của công tác cải cách hành chính, dẫn đến kết quả đạt được thấp so với yêu cầu phát triển của xã hội. Vì thế, chúng ta cần cải cách chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ công bộc trong thời gian tới.
Để làm được điều đó thì tác phong và lề lối làm việc của cán bộ lãnh đạo cùng bộ máy công bộc cần phải thay đổi theo hướng dám hành động, dám chịu trách nhiệm, dám nhận khuyết điểm trước người dân. Cần nêu cao tinh thần làm việc của lãnh đạo “nói thì đi đôi với làm”, thể hiện sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, tư tưởng và hành động, nhận thức và việc làm của người lãnh đạo, để từ đó làm gương cho cán bộ dưới quyền noi theo.
Công tác cán bộ phải tập trung vào việc giáo dục đạo đức, tác phong, lối sống cũng như trách nhiệm tận tụy với công vụ, không bớt xén giờ làm việc; làm việc phải có hiệu quả, tạo ra nền hành chính phục vụ người dân chứ không “hành dân”. Theo đó, bộ máy Chính phủ từ trên xuống dưới phải quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hành tiết kiệm, gương mẫu trước đồng chí, trước nhân dân.
Thông điệp ấy của Thủ tướng đã tạo cho mỗi cán bộ công chức, viên chức có cơ hội để tự soi xét, nhìn nhận, đánh giá, kiểm điểm lại chính bản thân mình; từ đó phát huy cái tốt, khắc phục cái xấu, duy trì tính liêm chính trong mỗi con người để xứng đáng là cán bộ, đảng viên gương mẫu. Một Chính phủ liêm chính phải được xây dựng trên nền tảng đội ngũ công bộc có đức, có tài và có tâm, hết lòng phục vụ nhân dân.
Cải cách hành chính theo hướng từ dân, vì dân và gần dân
Nguyên nhân nảy sinh tệ quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu từ đó tạo ra hiện tượng tham nhũng, lãng phí… là do xa rời cuộc sống của người dân hoặc không quan tâm đến người dân.
Về bản chất, Nhà nước ta là của dân, do dân và vì dân. Mục tiêu và hoạt động của Nhà nước là nhằm phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng, cho nhân dân và vì nhân dân. Hiến pháp và luật pháp cũng khẳng định, ghi nhận quyền làm chủ của người dân đối với mọi hoạt động, mọi cơ quan tổ chức Nhà nước. Do vậy, Chính phủ là cơ quan hành pháp Trung ương cần có mục tiêu “hành động vì dân”. Đây là tư tưởng xuyên suốt của bản chất Nhà nước ta ngay từ những ngày đầu tiên độc lập. Một nền hành chính từ dân, vì dân và gần dân chính là vấn đề sống còn của chế độ.
Thông qua bộ máy chính quyền, chỉ cần người dân hiểu rằng tâm tư, nguyện vọng của mình dù là nhỏ nhất cũng luôn được lắng nghe, ghi nhận thì họ sẽ thấy bản thân phải có trách nhiệm để giữ gìn, bảo vệ nền hành chính mẫu mực ấy.
Vì vậy, yêu cầu đặt ra cải cách bộ máy công vụ phải xuất phát từ dân, gần dân và vì dân là hết sức quan trọng để từ thực tiễn đó, chúng ta xây dựng các chương trình hoạt động công vụ gắn với mục tiêu bảo vệ chính quyền nhưng bảo đảm lợi ích của người dân.
Trong quan hệ chính quyền và người dân cần bảo đảm tinh thần lề lối làm việc văn minh, dân chủ và cởi mở để thực sự hiểu nhau và cải tiến hoạt động chất lượng công vụ trên cở sở thượng tôn pháp luật, bảo vệ lợi ích Nhà nước cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Xây dựng một Chính phủ gần dân, vì dân là thể hiện quyết tâm việc gì có lợi cho dân sẽ hết sức làm, việc gì có hại cho dân là hết sức tránh, yêu dân – kính dân là để dân kính, dân yêu. Thông điệp của Thủ tướng sẽ tạo nên sự chuyển biến tích cực của cả đội ngũ cán bộ công chức, viên chức từ Trung ương đến địa phương, nhanh chóng giúp thực hiện thành công mục tiêu cải cách và thay đổi quản lý Nhà nước, từ đó lấy lại niềm tin của nhân dân vào bộ máy chính quyền.
Xây dựng một Chính phủ quản trị, kiến tạo
Lâu nay, cơ chế xin-cho là khái niệm khá quen với nền hành chính của chúng ta. Đây cũng chính là nguyên nhân làm nảy sinh tiêu cực, đặc biệt trong các lĩnh vực như cấp vốn ngân sách, tín dụng, đất đai, đầu tư, tuyển dụng cán bộ… Để xóa bỏ cơ chế xin-cho, cần phải chuyển dần từ nền hành chính cai trị sang quản trị, kiến tạo.
Theo đó, phải rà soát, sắp xếp lại quy trình, thủ tục hành chính giữa Trung ương và địa phương, giữa các bộ, ngành liên quan mang tính đồng bộ, đồng thời phải nâng cao năng lực, trình độ nhận thức, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng môi trường dịch vụ hành chính công mang tính phục vụ… thông qua đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính, loại bỏ những giấy phép con không còn phù hợp, xử lý nghiêm minh đối với một số cán bộ thoái hóa biến chất, gây sách nhiễu cho người dân.
Chính phủ cần điều phối hoạt động công vụ trên cơ sở tôn trọng tính chất, đặc trưng hàng hóa - tiền tệ của nền kinh tế thị trường tập trung, thông qua công tác xây dựng thể chế, chính sách, tạo môi trường cho đầu tư, kinh doanh phát triển. Trong đó, trọng tâm nhất là xây dựng, sửa đổi bổ sung hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng, minh bạch để không còn phát sinh ra cơ chế xin-cho. Luật ban hành phải cụ thể, hạn chế việc ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành và mâu thuẫn với nhau, xóa bỏ hiện tượng “văn bản dưới luật có giá trị cao hơn văn bản pháp luật” trong thực tế.
Tăng cường minh bạch trong hoạt động công quyền
Việc bảo đảm và tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý hành chính là một nội dung hết sức quan trọng, nhằm mục đích nâng cao hiệu quả phòng, ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.
Hệ thống thủ tục hành chính hiện nay chưa thực sự đơn giản hóa, một số thủ tục liên quan đến đến đời sống dân sinh, kinh tế tiểu thương… còn đòi hỏi rất nhiều giấy phép con, các loại thuế, phí chồng chất. Các quy định về thủ tục hành chính nằm rải rác ở nhiều bộ, ngành, địa phương nên khó tra cứu, tìm hiểu và bản thân các cơ quan hữu quan cũng có sự áp dụng không thống nhất.
Chính phủ điện tử đã công khai và minh bạch toàn diện hoạt động công vụ của mình song người dân chưa có đủ điều kiện tiếp cận, do khó truy cập, khó sử dụng và thông tin chưa bắt kịp tính thời sự của đời sống xã hội.
Vấn đề cấp thiết hiện nay là xác định rõ nguyên tắc xác định danh mục bí mật của các bộ, ngành, địa phương, trên cơ sở đó hạn chế tình trạng phổ biến hiện nay là các bộ, ngành, địa phương thường lấy lý do thuộc danh mục bí mật Nhà nước để từ chối cung cấp thông tin khi có yêu cầu.
Cần chú trọng đến chương trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tiếp cận thông tin để hoạt động của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương được công khai, minh bạch; từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội dân chủ, văn minh, hiện đại trong tình hình mới.
Tiếp tục xây dựng, ban hành và áp dụng các bộ quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp gắn với trách nhiệm bồi thường về tính liêm chính đối với cán bộ, công chức. Qua đó, người dân và những người xung quanh, bao gồm cả chính những đồng nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể giám sát hoạt động của họ.
Đất nước đang đứng trước những thách thức to lớn khi hội nhập sâu, rộng với kinh tế thế giới, đòi hỏi những động thái quyết liệt từ Chính phủ nhằm loại bỏ những thói quen hay cách hành xử cũ dễ làm phát sinh tiêu cực, gây mất lòng tin của nhân dân.
Vì vậy, việc quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, nói không với tham nhũng, hợp lòng dân là một quan điểm hết sức đúng đắn và có sức lan tỏa mạnh trong đời sống xã hội hôm nay.
Hy vọng rằng, với tài năng, tâm đức và quyết tâm của cả bộ máy Chính phủ, Thủ tướng sẽ chỉ đạo sâu sát và quyết liệt để chúng ta thực sự có được một Chính phủ liêm chính - một bộ máy công quyền phục vụ người dân, tạo động lực mới cho quá trình cải cách và phát triển của đất nước.
LS. Nguyễn Văn Chiến
(Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP. Hà Nội)