Đậu tương là cây trồng thời vụ khá phổ biến ở Tây Nguyên. Việc mở rộng diện tích loại cây trồng này có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường khai thác tài nguyên đất và tài nguyên khí hậu phục vụ cho quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn của các tỉnh Tây Nguyên. Cùng với việc đẩy mạnh công tác chọn, tạo giống thì việc nghiên cứu xác định các tác động của điều kiện thời tiết, khí hậu đến cây đậu tương sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho việc mở rộng, thay đổi và chuyển dịch cơ cấu thời vụ, mùa vụ gieo trồng và nâng cao hiệu quả sản xuất. Cũng như các loại cây trồng khác, cây đậu tương phát triển tốt hay xấu, đạt năng suất cao hay thấp phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện biến đổi thời tiết. Do vậy các điều kiện thời tiết nguy hại như mưa đá, sương muối, mưa lớn, lốc, giá lạnh, nắng nóng và hạn hán là những mối quan tâm đặc biệt cần được lưu ý trong việc xác định thời vụ gieo trồng, thu hoạnh và quy hoạch mở rộng diện tích canh tác.
Xác định điều kiện sinh thái của cây đậu tương:
Đậu tương là loại cây trồng khá phổ biến ở Tây Nguyên, có giá trị kinh tế cao, dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn nên có thể thâm canh cho năng suất cao. Sự sinh trưởng và phát triển tốt hay xấu của cây đậu tương phụ thuộc lớn vào điều kiện thời tiết khí hậu của từng năm, mùa hoặc vụ gieo trồng. Các yếu tố khí hậu có tác động rõ nét tới phát triển cây đậu tương bao gồm: Nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm không khí, độ ẩm đất, ánh sáng và thời gian có nắng,v.v…
* Về nhiệt độ: Nhiệt độ thích hợp cho sự sinh trưởng, phát triển và hình thành năng suất của cây đậu tương là từ 21 - 34 0 C, trong đó thích hợp nhất là từ 24 - 34 0 C; riêng thời kỳ ra hoa làm quả, hạt nhiệt độ thích hợp là từ 21 - 23 0 C. Trong thời kỳ này, nếu nhiệt độ < 10 0 C thì sẽ ngăn cản sự phân hóa của mầm hoa; nhiệt độ dưới 18 0 C có thể làm rụng hoa, không hình thành quả. Nhiệt độ lớn hơn 40 0 C thì làm hạn chế sự hình thành đốt, sinh trưởng lóng và cũng ảnh hưởng tới sự phân hóa mầm hoa. Nhiệt độ đất có ảnh hưởng tới sự cố định nitơ và vi khuẩn nốt sần ở rễ đậu tương. Nếu nhiệt độ đất trồng lớn hơn 33 0 C thì sự phát triển của vi khuẩn bị hạn chế.
* Lượng mưa: Lượng mưa thích hợp cho thời kỳ sinh trưởng của cây đậu tương là từ 300 mm trở lên.
* Độ ẩm không khí: Điều kiện độ ẩm không khí thích hợp cho cây đậu tương sinh trưởng tốt là từ 80 - 85 %. Đặc biệt trong thời gian ra hoa làm quả, hạt mà độ ẩm không khí nằm ngoài khoảng trên thì sẽ g ây bất lợi; năng suất sẽ giảm tỷ lệ thuận với khoảng cách xa ngưỡng về hai phía.
* Độ ẩm đất: Cây đậu tương có thể gieo trồng trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng không thể phát triển bình thường trên đất ngập úng. Tùy theo điều kiện cung cấp nước mà rễ đậu tương có thể sớm phát triển xuống sâu; ở đất nặng thì rễ tập trung ở lớp đất mặt. Độ ẩm đất thích hợp cho cây đậu tương sử dụng nằm trong khoảng từ 75 - 90% sức chứa ẩm đồng ruộng (SCAĐR) và những giá trị độ ẩm đất nhỏ hơn 75% SCAĐR sẽ kìm hãm sự phát triển và sinh trưởng của các cơ quan của cây. Vào thời kỳ nở hoa, yêu cầu độ ẩm của cây đậu tương tăng lên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi độ ẩm đất đạt giá trị bằng hoặc nhỏ hơn 75% SCAĐR thì cây đậu tương bắt đầu kìm hãm sự sinh trưởng của các cơ quan riêng biệt của nó. Mức độ kìm hãm sự sinh trưởng các cơ quan riêng biệt của cây đậu tương phụ thuộc vào tầng đất nào có độ ẩm đạt giá trị <= 75% SCAĐR và vào thời kỳ phát triển nào, vào khối lượng đất mà hệ thống rễ mọc, vào sự căng thẳng nào của điều kiện thời tiết. Thời kỳ mọc mầm, đất cần đủ ẩm để hạt mọc mầm đều, khô hạn kéo dài lúc này sẽ làm hạt thối (ảnh hưởng của khô hạn thời kỳ mọc mầm có hại hơn là quá ẩm). Hạt nẩy mầm đòi hỏi độ ẩm đất từ 60 - 65% SCAĐR. Nhu cầu nước tăng dần khi cây lớn lên. Hệ số thoát nước của cây không lớn từ khi cây mọc đến phân cành và lớn ở các thời kỳ ra hoa, hình thành quả và hạt phát triển. Cần lưu ý là đậu tương đặc biệt sử dụng nhiều nước ở thời kỳ ra hoa, hình thành quả và làm hạt. Thời kỳ này kéo dài khoảng hai tháng, chúng sử dụng khoảng 70% tổng lượng nước cần của cả thời kỳ sinh trưởng. Bốc thoát hơi nước của cây đậu tương trong thời kỳ này đạt 50 - 70 m 3 /ha. Trước thời kỳ nở hoa đậu tương đòi hỏi 29,8%; trong thời kỳ nở hoa - chín quả là 70,2% lượng nước cho cả thời kỳ sinh trưởng. Do vậy trong thời kỳ từ khi nở hoa làm quả và hình thành hạt đến chín cây đậu tương rất mẫn cảm với hạn không khí và hạn trong đất. Thời kỳ này đòi hỏi lượng nước phải đủ thì mới đạt chỉ tiêu năng suất.
* Điều kiện ánh sáng: Ánh sáng là yếu tố ảnh hưởng khá sâu sắc tới hình thái cây đậu tương. Ánh sáng làm thay đổi thời gian nở hoa, thời gian quả chín, đến chiều cao của cây, diện tích lá và nhiều đặc tính khác của cây bao gồm cả năng suất hạt. Đậu tương là cây ngắn ngày điển hình nên độ dài của thời gian chiếu sáng chính là yếu tố quyết định sự ra hoa. Ở thời kỳ cây mới có hai lá kép, đậu tương rất mẫn cảm với độ dài của ngày. Độ dài của ngày cũng tác động tới tỷ lệ đậu quả, tốc độ lớn của quả. Đậu tương cũng rất nhạy cảm với cường độ ánh sáng. Nếu cường độ ánh sáng giảm từ 50% trở lên so với bình thường thì cây sẽ bị giảm số cành, số đốt, quả, năng suất hạt có thể giảm 60%; ở mức độ 5000lux thì quả rụng nhiều. Cây đậu tương cần nhiều áng sáng để quang hợp nhất là thời kỳ ra hoa và hình thành quả, đây là điều kiện để đạt năng suất cao. Yêu cầu số giờ nắng trung bình cho các thời kỳ sinh trưởng của cây đậu tương như sau: Gieo hạt - mọc mầm: 5,0 - 5,5 giờ/ngày; mọc mầm - ra hoa 4,5 - 5,0 giờ/ ngày; ra hoa - chín quả: 4,0 - 5,0 giờ/ ngày. Số giờ nắng ít hơn những giá trị này là bất lợi.
Điều kiện thời tiết khí hậu ở mỗi vùng, mỗi địa phương là một trong những nhân tố tác động quyết định tới sự sinh trưởng, phát triển và hình thành năng suất của cây trồng nói chung, cây đậu tương nói riêng. Vậy nên, rất cần có sự đầu tư nghiên cứu kỹ mức độ thích nghi của từng loại cây trồng ở từng vùng, từng địa phương để từ đó có thể quy hoạch các vùng trồng chuyên canh, xen canh hoặc thâm canh, đồng thời giúp người nông dân bố trí hợp lý thời vụ gieo trồng, phân định thời gian và mức độ chăm sóc phù hợp với đặc điểm thời kỳ sinh trưởng của cây và biến động của thời tiết. Mục tiêu lớn hơn của việc nghiên cứu các điều kiện thích nghi của cây trồng là góp phần đẩy nhanh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phù hợp hơn với tài nguyên thiên nhiên, góp phần giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra.
KS. Nguyễn Văn Huy
Trung tâm KTTV tỉnh Kon Tum