Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hội thảo khoa học với chủ đề "Kinh tế Châu Âu – Châu Mỹ năm 2023 và triển vọng năm 2024: Tác động và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam" được trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 27/12 với mục đích tăng cường trao đổi và chia sẻ về xu hướng tăng trưởng, lạm phát, thất nghiệp, lãi suất và các chính sách kinh tế vĩ mô của Châu Âu và Châu Mỹ trong năm 2023 và triển vọng năm 2024.
Trên cơ sở đó, các chuyên gia sẽ đề xuất các khuyến nghị nhằm giúp Việt Nam ứng phó hiệu quả với các cú sốc từ bên ngoài trong năm 2024.
PGS. TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, (ĐHQGHN) cho hay, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái, lạm phát tăng cao, xung đột địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng và gián đoạn thương mại, dự báo triển vọng kinh tế tại các thị trường chủ chốt của Việt Nam như các khu vực Châu Âu, Châu Mỹ có ý nghĩa sống còn đối với Việt Nam khi thị trường trong nước còn yếu, đầu tư khu vực tư nhân chưa phục hồi…
Là hai khu vực đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, tình hình kinh tế Châu Âu và Châu Mỹ sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.
Theo PGS. TS. Nguyễn Anh Thu, dự kiến, tăng trưởng toàn cầu sẽ ở mức khiêm tốn do ảnh hưởng của việc thắt chặt chính sách tiền tệ, thương mại yếu và sự giảm sút niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng. GDP toàn cầu, theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong tháng 12/2023, được dự báo tăng trưởng 2.9% vào năm 2023, sau đó giảm nhẹ xuống 2,7% vào năm 2024 và cải thiện lên 3,0% vào năm 2025.
Châu Á dự kiến sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trong tăng trưởng toàn cầu trong năm 2024-2025, như đã làm trong năm 2023. Còn theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm 2024, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trong năm 2024.
Lạm phát giá tiêu dùng dự kiến sẽ giảm dần về mục tiêu của ngân hàng trung ương trong hầu hết các nền kinh tế vào năm 2025, khi áp lực chi phí giảm. Lạm phát ở các nước OECD dự kiến giảm từ 7,0% trong năm 2023 xuống 5,2% vào năm 2024 và 3,8% vào năm 2025.
Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, học giả quốc tế, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên đến từ các cơ quan nhà nước, các trường đại học và viện nghiên cứu.
Tại hội thảo, 6 bài tham luận và phiên thảo luận bàn tròn đan xen giữa chuyên gia, nhà quản lý, và nhà khoa học của Việt Nam liên quan tới các vấn đề lớn mà các nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước quan tâm như: Kinh tế EU năm 2023 và triển vọng năm 2024; Kinh tế Châu Mỹ năm 2023 và dự báo đối với năm 2024; Các xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng trên thế giới 2024; Nâng cấp chuỗi giá trị Việt Nam trong năm 2024; Cơ hội và thách thức đối với hàng xuất khẩu Việt Nam tại thị trường quốc tế trong năm 2024; Viễn cảnh hạ cánh mềm của nền kinh tế thế giới.
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu từ Trường Đại học Kinh tế (ĐHQGHN) cũng đã công bố kết quả khảo sát ý kiến chuyên gia quốc tế về dự báo tình hình kinh tế Âu-Mỹ 2024 dựa trên mạng lưới học giả, nhà khoa học quốc tế của nhà trường.
"Chúng tôi tin tưởng rằng, sau Hội thảo, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và quản lý Nhà nước các nhà khoa học và quản trị doanh nghiệp sẽ bổ sung thêm được những luận cứ khoa học và thực tiễn toàn diện và xác đáng hơn, góp phần phát huy những tác động tích cực của hội nhập kinh tế quốc tế đến mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, nâng cao được công tác dự báo kinh tế và tiên liệu trước các đề xuất giải pháp nhằm giúp nền kinh tế độc lập, tự chủ, đứng vững trước các tác động bất lợi, khó lường của bối cảnh kinh tế, địa chính trị quốc tế", PGS. TS. Nguyễn Anh Thu nói.
Thông qua việc kết nối các chuyên gia, học giả, giảng viên, người học và doanh nghiệp trong nước và quốc tế, hội thảo cũng đã góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo về kinh tế và kinh doanh ở các trường đại học trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Phương Liên