Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo TS. Võ Văn Lợi, bước vào năm 2023, kinh tế Việt Nam gặp thách thức lớn trước "tác động kép" của tình hình thế giới và trong nước; những bất ổn của tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu. Xung đột Nga - Ukraine kéo dài, các vấn đề về tài chính của Mỹ và châu Âu làm ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
Mặc dù vậy, với những chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước; sự chủ động, linh hoạt, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong 9 tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát giảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16% (nằm trong ngưỡng cho phép). Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Cơ cấu thu, chi ngân sách nhà nước và nợ công an toàn.
"Kinh tế vĩ mô ổn định tạo dư địa cho các chính sách tiền tệ, tài khóa; thúc đẩy tổng cầu và là cơ sở để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới", TS Võ Văn Lợi cho hay.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III ước tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước đã giúp GDP 9 tháng đầu năm đạt 4,24%. Kết quả GDP quý III tăng 5,33% là vượt mong đợi trong bối cảnh rất khó khăn như hiện nay, TS Võ Văn Lợi nhìn nhận.
So sánh với quốc tế và khu vực thì tăng trưởng của Việt Nam đang cao hơn Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp…
Các chỉ tiêu tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư được coi là "cỗ xe tam mã" kéo tăng trưởng kinh tế Việt Nam bứt tốc với xuất siêu ấn tượng (9 tháng ước đạt 21,68 tỷ USD).
Đặc biệt, chưa năm nào giải ngân đầu tư công 9 tháng đầu năm vượt quá 50% (năm 2022 là 46,7%), nhưng năm nay đã đạt mức 51,38%. Đó là chưa kể, năm 2023 giá trị tuyệt đối của đầu tư công cực lớn, riêng 9 tháng đầu năm nay đạt khoảng 363.310 tỷ đồng, vượt 110.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng vốn FDI đăng ký 9 tháng đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ (trong đó FDI đăng ký mới tăng 43,6%; FDI thực hiện tăng 2,2%).
TS. Võ Văn Lợi cho biết thêm, các ngành kinh tế quan trọng có dấu hiệu phục hồi khả quan. Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục là bệ đỡ của nền kinh tế với mức tăng 3,43% so với cùng kỳ năm ngoái; qua đó bảo đảm an ninh lương thực, giúp gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế, hướng đến xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ trong một thế giới đầy biến động.
Cùng với đó, dịch vụ được xem là điểm sáng với mức tăng 6,32%; trong đó bán buôn và bán lẻ tăng 8,04%; ngành vận tải, kho bãi tăng 8,66%. Cũng là phân ngành kinh tế quan trọng, sản xuất công nghiệp của quý III có bước nhảy vọt với 4,57%, gấp gần 5 lần so với quý II.
"Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức từ tình hình thế giới, để tiếp tục đạt mục tiêu kế hoạch của năm 2023 thì việc thực hiện chính sách tăng tổng cầu của nền kinh tế là biện pháp quan trọng nhất. Muốn vậy, phải khơi thông được những nguồn lực tiềm năng, đó là đầu tư công, tiêu dùng trong nước", TS. Võ Văn Lợi khuyến nghị.
Ngoài việc khôi phục các động lực tăng trưởng hiện hữu thì cần tìm kiếm các động lực mới như kinh tế số, nâng cao năng suất lao động đi kèm với gia tăng chất lượng hàng hoá dịch vụ, thúc đẩy kinh tế tư nhân, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế, thúc đẩy kinh tế xanh và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, quyết tâm nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu…
"Đây là vấn đề vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay và trong thời gian sắp tới", TS. Võ Văn Lợi nhấn mạnh.
Thế Phong