Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đại biểu Đỗ Thị Huyền Tâm phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh Chinhphu.vn |
Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung đánh giá về công tác chỉ đạo điều hành, hoạch định chính sách, các biện pháp nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế.
Quan tâm chất lượng cuộc sống và môi trường
Đánh giá tình hình KT-XH và thu ngân sách năm 2009, những tháng đầu năm 2010, đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng tình hình đang có những chuyển biến tương đối thuận lợi, đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn, an sinh xã hội ngày càng được đảm bảo.
Các đại biểu Đỗ Thị Huyền Tâm (Bắc Ninh) cho rằng, một loạt chỉ tiêu quan trọng đều vượt kế hoạch đề ra như tăng trưởng GDP đạt 5,32%, đầu tư toàn xã hội đạt 42,7% GDP, xuất khẩu đạt 57 tỷ USD... đã nói lên những thành quả của sự điều hành linh hoạt, kịp thời, chuyển hướng chính sách nhanh nhạy của Chính phủ, sự đồng thuận và nỗ lực của nhân dân và doanh nghiệp thời gian qua.
Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Thị Huyền Tâm và Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng 8/25 chỉ tiêu không đạt so với kế hoạch chủ yếu tập trung ở lĩnh vực xã hội và môi trường, liên quan mật thiết đến đời sống xã hội.
Trong đó đào tạo nguồn nhân lực có 2 chỉ tiêu và môi trường có 4 chỉ tiêu chưa đạt, đó là tốc độ tăng tuyển mới đại học, cao đẳng, tốc độ tăng tuyển mới trung cấp chuyên nghiệp, tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch, tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, tỷ lệ che phủ rừng.
Theo các đại biểu, đây là những chỉ tiêu ảnh hưởng đến phát triển bền vững và chất lượng đời sống xã hội... cần quan tâm giải quyết kịp thời.
Nhiều đại biểu kiến nghị Chính phủ cần chỉ ra nguyên nhân chủ quan và khách quan của việc không đạt các chỉ tiêu nêu trên, có giải pháp căn cơ, hợp lý để đi đôi với tăng trưởng kinh tế, chất lượng cuộc sống và môi trường cũng được nâng lên một cách thiết thực.
“Tôi cho rằng, cần xây dựng cơ chế cụ thể, hợp lý hỗ trợ cho các hộ “cận nghèo” và hộ vừa thoát nghèo. Bởi chỉ cần một lần rủi ro, ốm đau là họ có thể trở thành hộ nghèo và tái nghèo”, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) nói.
Các đại biểu Hoàng Thị Bình (Cao Bằng), Vi Trọng Lễ (Phú Thọ), Sùng Chúng (Lào Cai)... cũng kiến nghị Chính phủ sớm khảo sát, đánh giá và đưa ra chuẩn nghèo mới làm cơ sở xây dựng chính sách an sinh xã hội thực sự công bằng hơn đối với những người yếm thế.
“Cử tri và nhân dân đang trông đợi Chính phủ đưa ra chuẩn nghèo mới và tăng nguồn lực cho an sinh xã hội”, đại biểu Huỳnh Văn Tý nói.
Một số đại biểu băn khoăn trước chỉ số lạm phát 5 tháng đầu năm 2010 là 4,55% trong khi chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho cả năm 2010 là 7%. Đây là vấn đề ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân.
Các đại biểu Nguyễn Hữu Nhị (Nghệ An), Phương Thị Thanh (Bắc Cạn) nêu ý kiến, Chính phủ cần chủ động gắn các giải pháp về kinh tế với kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thuốc chữa bệnh...
Nợ quốc gia vẫn trong phạm vi an toàn
Đánh giá về tình hình bội chi ngân sách và nợ quốc gia, theo báo cáo của Chính phủ hiện vẫn nằm trong “ngưỡng” an toàn cho phép, tuy nhiên nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự lo lắng về vấn đề này.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, Chính phủ cần sớm có lộ trình giảm bội chi ngân sách và kiểm soát dư nợ quốc gia một cách có hiệu quả hơn. “Dư nợ quốc gia của chúng ta gần 42%, tuy vẫn trong “ngưỡng” an toàn nhưng xu hướng mấy năm qua ngày một tăng, cần xem xét kịp thời”, đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa), Hoàng Thị Bình (Cao Bằng) cũng bày tỏ tỷ lệ bội chi ngân sách 6,9% GDP năm 2009 là một thách thức cho việc ổn định kinh tế vĩ mô.“Bên cạnh việc cần có giải pháp đột phá trong đầu tư, cần thực hiện thật nghiêm kỷ luật thu chi ngân sách”, đại biểu Hoàng Thị Bình nêu vấn đề.
Đại biểu Trần Hồng Việt (Hậu Giang), Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đều cho rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản là cơ cấu nền kinh tế chưa hợp lý. “Chính phủ cần sớm tái cơ cấu nền kinh tế một cách hiệu quả nhất”, đại biểu Trần Ngọc Vinh đưa ra ý kiến.
Lê Sơn