Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
NHNN cho biết, ngày 18/01/2024, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024. Luật Các TCTD giao Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn chi tiết một số nội dung quy định liên quan đến ngân hàng hợp tác xã và Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (Quỹ bảo toàn).
Do vậy, việc xây dựng Thông tư quy định về ngân hàng hợp tác xã để hướng dẫn một số nội dung về tổ chức, hoạt động của ngân hàng hợp tác xã và việc trích nộp, quản lý và sử dụng Quỹ bảo toàn cần được thực hiện để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc thực hiện các quy định của Luật Các TCTD.
Thông tư số 31/2012/TT-NHNN quy định về ngân hàng hợp tác xã và Thông tư số 03/2014/TT-NHNN quy định về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đã được triển khai thực hiện trong thời gian tương đối dài, do đó cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn với thực tế hoạt động của ngân hàng hợp tác xã cũng như việc sử dụng Quỹ bảo toàn.
Từ cơ sở thực tiễn nêu trên, việc xây dựng Thông tư quy định về ngân hàng hợp tác xã là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động của ngân hàng hợp tác xã và việc quản lý, trích lập, sử dụng Quỹ bảo toàn; đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Các TCTD, thực tế hoạt động của ngân hàng hợp tác xã và thực tế việc quản lý, trích lập, sử dụng Quỹ bảo toàn.
Dự thảo nêu rõ, ngân hàng hợp tác xã là loại hình tổ chức tín dụng được tổ chức theo mô hình hợp tác xã với mục tiêu chủ yếu là liên kết, bảo đảm an toàn của hệ thống thông qua việc hỗ trợ tài chính và giám sát hoạt động trong hệ thống quỹ tín dụng nhân dân. Hoạt động chủ yếu là điều hòa vốn và thực hiện các hoạt động ngân hàng đối với thành viên là các quỹ tín dụng nhân dân.
Thời hạn hoạt động của ngân hàng hợp tác xã tối đa là 99 năm. Địa bàn hoạt động của ngân hàng hợp tác xã trên phạm vi lãnh thổ Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thành viên của ngân hàng hợp tác xã bao gồm tất cả quỹ tín dụng nhân dân và pháp nhân góp vốn khác.
Đối với các quỹ tín dụng nhân dân: quỹ tín dụng nhân dân trở thành thành viên của ngân hàng hợp tác xã kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động.
Đối với các tổ chức tín dụng khác: Không thuộc đối tượng áp dụng kiểm soát đặc biệt theo quy định tại khoản 1 Điều 162 Luật Các tổ chức tín dụng tại thời điểm đề nghị tham gia là thành viên.
Đối với pháp nhân khác: Hoạt động kinh doanh có lãi trong năm liền kề trước năm đề nghị tham gia là thành viên.
Các đối tượng nêu trên phải góp đủ vốn góp theo quy định, phải có đơn đề nghị tham gia thành viên và cử đại diện hợp pháp tham gia.
Mở tài khoản thanh toán, cung cấp phương tiện thanh toán cho các quỹ tín dụng nhân dân thành viên.
Nhận tiền gửi điều hòa vốn, cho vay điều hòa vốn đối với các quỹ tín dụng nhân dân thành viên theo Quy chế điều hòa vốn.
Cho vay quỹ tín dụng nhân dân thành viên để xử lý khó khăn tạm thời về thanh khoản.
Xây dựng, phát triển và ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ mới trong hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân thành viên đáp ứng nhu cầu của các thành viên quỹ tín dụng nhân dân và phục vụ phát triển lợi ích cộng đồng trên địa bàn.
Thực hiện các hoạt động kinh doanh khác sau đây theo quy định của Thống đốc NHNN đối với quỹ tín dụng nhân dân thành viên: Dịch vụ quản lý tiền mặt; dịch vụ ngân quỹ; giao đại lý thanh toán theo quy định của Thống đốc NHNN.
Kiểm tra, giám sát quỹ tín dụng nhân dân trong việc sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ vốn vay từ ngân hàng hợp tác xã và các nội dung khác theo yêu cầu Ngân hàng Nhà nước về nội dung, phạm vi, thời hạn kiểm tra, giám sát.
Cử nhân sự để giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc và chức danh quản lý, điều hành khác của quỹ tín dụng nhân dân khi NHNN yêu cầu.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Minh Đức