Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tiếp tục chương trình nghị sự, sáng 26/5, Quốc hội nghe Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết hướng đến xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế-xã hội của TPHCM, góp phần xây dựng và phát triển Thành phố như mục tiêu đã đặt ra tại các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội nêu trên.
Việc xây dựng dự thảo Nghị quyết dựa trên quan điểm bảo đảm tuân thủ các quy định của Hiến pháp 2013, phù hợp với định hướng phát triển tại Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam Bộ, Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội TPHCM và Nghị quyết số 81 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia.
Bộ trưởng cũng cho biết, Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TPHCM thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Việc xây dựng cơ chế, chính sách không phải chỉ riêng cho TPHCM mà còn tạo điều kiện cho Thành phố phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước; cho phép tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách thực hiện đạt kết quả tại Nghị quyết số 54/2017/QH14.
Nghị quyết cũng bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp đang được thí điểm tại một số địa phương và một số cơ chế chính sách có trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội thời gian tới. Quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và thực hiện tăng cường phân cấp, ủy quyền cho Thành phố, gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát minh bạch, hiệu quả.
Nội dung chính của dự thảo Nghị quyết có 7 nhóm cơ chế, chính sách từ Điều 4 đến Điều 10. Xét về tính mới và kế thừa, dự thảo Nghị quyết gồm 4 nhóm cơ chế, chính sách: Nhóm cơ chế chính sách được kế thừa từ Nghị quyết số 54; nhóm cơ chế, chính sách được quy định tại các nghị quyết đặc thù của các địa phương khác; nhóm các cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo luật đang trình Quốc hội cho ý kiến; nhóm các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, Ủy ban tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Theo đó, về căn cứ chính trị, Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định "Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo ban hành Nghị quyết của Quốc hội (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14) để cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TPHCM".
Về cơ sở pháp lý, Nghị quyết số 76/2022/QH15 của Quốc hội quy định: "Giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 trong thời gian sớm nhất".
Bên cạnh đó, qua tổng kết Nghị quyết số 54/2014/QH14 cho thấy, phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách hiện hành còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá; nhiều vướng mắc về thể chế đang cản trở phát triển.
Trong khi đó, TPHCM là trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có vai trò quan trọng trong điều tiết về ngân sách Trung ương, hiện đang đóng góp khoảng 27%. Việc có chính sách vượt trội là cần thiết không chỉ đối với Thành phố mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước.
Theo ông Lê Quang Mạnh, hồ sơ dự thảo Nghị quyết cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Tuy nhiên, để có căn cứ vững chắc cho việc quyết định, đề nghị Báo cáo đánh giá tác động cần cụ thể cả về mặt tích cực và cả những thách thức, những tác động không thuận khi triển khai. Cần chi tiết hơn về kết quả đầu ra; nhất là các chính sách tác động đến thu chi ngân sách Nhà nước; đến nguồn lực thực hiện…
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu rõ, việc ban hành Nghị quyết cần lưu ý, các quy định cần tháo gỡ kịp thời vướng mắc về thể chế đang cản trở phát triển, phát huy tiềm năng, khắc phục sức ỳ trong thực hiện các định hướng thời gian qua; song tuyệt đối không lợi dụng xây dựng pháp luật để hợp thức hóa sai phạm.
Chính sách mới cần "mang tính đột phá", "vượt trội" theo đúng tinh thần Nghị quyết 24-NQ/TW, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 81/2023/QH15 của Quốc hội; song cần khả thi, có trọng tâm, không dàn trải; tránh lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí.
Để tiếp tục hoàn thiện, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, Chính phủ cần làm rõ với phạm vi chính sách như trong dự thảo đã đủ để tháo gỡ vướng mắc về thể chế đang cản trở tiến trình phát triển hay chưa.
Xét về số lượng chính sách là tương đối rộng, do vậy, cần có sự lựa chọn, có trọng tâm, tránh dàn trải để mỗi chính sách đều có cơ hội đi vào cuộc sống.
Cần chú trọng hơn nữa những chính sách thực sự đột phá, tạo bước chuyển mới trong khai thác tiềm năng theo đúng Nghị quyết 31; tránh nhiều về số lượng nhưng hạn chế về sức nặng.
Bên cạnh đó, các chính sách thu ngân sách (như thuế, phí…) còn khá mỏng, trong khi TPHCM có đặc thù, lợi thế rất lớn trong khai thác nguồn thu. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu, có chính sách thu khả thi, góp phần cân đối nguồn lực cho những chính sách chi ngân sách.
Đồng thời đề nghị rà soát lại các chính sách có tác động trực tiếp đến ngân sách Trung ương, như các đề xuất miễn, giảm thuế để phù hợp với bối cảnh hiện nay, nhất là khi chuẩn bị áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Mặc dù rất cần một cơ chế ưu đãi so với các địa phương khác, cần thu hút nhân tài, lao động chất lượng cao, song tránh tạo chênh lệch quá lớn về thu nhập giữa người lao động.
Hải Liên