Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo Quyết định 1088 do Bộ NN&PTNT đưa ra, trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, vùng nguyên liệu được xác định là điểm khởi đầu và là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản hiệu quả, bền vững.
Việc xây dựng được vùng nguyên liệu sẽ là khâu đột phá, giải quyết được các khâu tiếp theo trong chuỗi giá trị, đồng thời minh bạch hóa quy trình sản xuất và chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến và tiêu thụ.
Hôm nay (24/11), Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu".
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Định, Trưởng Phòng Kinh tế hợp tác (Cục Kinh tế hợp tác, Bộ NN&PTNT) cho biết, đề án chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2022-2023) tập trung thí điểm xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện đề án. Giai đoạn 2 (2024-2025) hoàn thiện các nội dung đề án về khuyến nông, chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ cho hợp tác xã, người dân; phát triển, củng cố, nâng cao năng lực cho HTX và thành viên HTX; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vùng nguyên liệu; phát triển khuyến nông cộng đồng và truyền thông; thực hiện chính sách tín dụng, bảo hiểm, liên kết sản xuất; mở rộng, xây dựng 5 trung tâm logistics; mở rộng thực hiện nội dung khuyến nông cộng đồng.
Giai đoạn 2022-2023 sẽ hình thành được 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô tập trung với tổng diện tích 166.800 ha, gồm cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc 14.000 ha, gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững (FSC, FEFC, VFCS) vùng duyên hải miền Trung 22.900 ha, cây cà phê Tây Nguyên 19.700 ha, lúa gạo vùng tứ giác Long Xuyên 50.000 ha, cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười 60.200 ha.
Đồng thời, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, HTX, nông dân liên kết trong vùng nguyên liệu. Thí điểm hình thành 136 tổ khuyến nông cộng đồng, tổ chức 770 lớp tập huấn tư vấn phát triển hợp tác xã, kết nối thị trường...
Giai đoạn 2024-2025 mở rộng xây dựng 5 trung tâm sơ chế, chế biến, bảo quản nguyên liệu (logistics) hỗ trợ HTX, gồm Trung tâm logistics chuỗi lúa gạo huyện Thoại Sơn (An Giang), Trung tâm logistics lúa-tôm hữu cơ huyện An Minh (Kiên Giang), Trung tâm logistics chế biến tôm huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), Trung tâm logistics trái cây Mỹ Hiệp (Đồng Tháp) và Trung tâm logistics chuỗi cà phê (Gia Lai).
Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 2.467 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 942 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 410 tỷ đồng, vốn đối ứng của doanh nghiệp và HTX khoảng 572 tỷ đồng, vốn tín dụng khoảng 552 tỷ đồng.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhấn mạnh, một trong những bước tiến đầu tiên của đề án là tăng cường năng lực của đội ngũ khuyến nông viên cơ sở ở cộng đồng - đây là động lực kết nối vùng nguyên liệu. Cùng với hỗ trợ hạ tầng, thông qua lực lượng khuyến nông sẽ tăng cường năng lực cho cả chuỗi sản xuất. "Người nông dân có sản xuất đúng quy trình không cũng cần đến lực lượng khuyến nông. Người nông dân có kết nối được thị trường cũng cần đến lực khuyến nông. Làm thế nào để cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản không chỉ xuất khẩu nước ngoài mà trong nước cũng rất cần", ông Thanh nhấn mạnh.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) thông tin thêm về việc phát triển mã số vùng trồng: "Cục Bảo vệ thực vật đã trình Bộ NN&PTNT Chỉ thị 1838 đưa ra rất nhiều điều kiện, giải pháp, yêu cầu chất lượng của các thị trường. Bộ cũng giao Cục chủ trì và xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết, chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương đẩy mạnh việc xây dựng và truy xuất mã số vùng trồng".
Bà Ngô Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ameii Việt Nam cho biết, hiện công ty đang tham gia thu mua trên 30 mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu tới rất nhiều quốc gia trên thế giới.
Bà Ngô Thu Hồng chia sẻ, trong quá trình thu mua, bên cạnh sự thuận lợi, đồng hành của chính quyền địa phương, HTX, bà con nông dân thì công ty cũng gặp một số khó khăn.
Thứ nhất là vùng nguyên liệu còn manh mún, nhỏ lẻ, khiến công ty gặp khó khăn trong quá trình thu mua. Thứ hai, công tác thu hoạch của bà con nông dân còn hạn chế. Bà con tự đứng ra thu hoạch, chưa có tổ đội chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, tính tuân thủ quy trình sản xuất nông nghiệp của bà con còn hạn chế, chưa đồng bộ, đồng đều.
Ngoài yếu tố tính thời vụ trong sản xuất, doanh nghiệp còn gặp khó khăn về giá mua. Doanh nghiệp thu mua luôn mong muốn mua được nông sản với giá cố định và cam kết bảo đảm tiêu thụ cho bà con nông dân. Tuy nhiên, đa phần bà con muốn mua theo giá thị trường, do đó doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc ký hợp đồng dài hạn thu mua nông sản do giá biến động theo thị trường.
Những khó khăn bà Ngô Thu Hồng nêu trên cũng là những khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp tham gia thu mua, xuất khẩu nông sản.
Chia sẻ điều này, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, nguồn lực trong khuôn khổ đề án khuyến nông cũng có hạn: "Chúng tôi chỉ dành 16 tỷ đồng của ngân sách Nhà nước để thực hiện công tác khuyến nông trong đề án. Và mục tiêu chính của chúng tôi là làm sao có thể xã hội hóa được hoạt động này. Muốn làm được vậy, chúng tôi cũng xác định việc xây dựng vùng nguyên liệu là phải vừa tăng giá trị cho người sản xuất, vừa thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp".
Theo ông Lê Quốc Thanh, khi chúng ta làm ra vùng nguyên liệu tốt cho doanh nghiệp thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ có sự tin tưởng và đầu tư vào. Ông Thanh lấy ví dụ, hiện Trung tâm Khuyến nông quốc gia đang kết hợp với doanh nghiệp Vĩnh Hiệp làm vùng nguyên liệu cà phê để xuất khẩu sang EU. Doanh nghiệp cũng cam kết dùng nguồn lực mang lại từ vùng nguyên liệu này sẽ dành cho các hoạt động khuyến nông cộng đồng. Nhu vậy, những người tham dự trong các tổ khuyến nông cộng đồng vẫn hưởng các chính sách của địa phương và khi họ làm nguyên liệu đạt chuẩn được thì họ sẽ sống tốt bằng nghề.
Đỗ Hương