Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hội nghị được tổ chức nhằm công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh để các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân biết, hiểu và thống nhất về nhận thức để triển khai thực hiện. Đồng thời kết hợp giới thiệu quảng bá những tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển của tỉnh; kêu gọi thu hút các nguồn vốn lớn, công nghệ hiện đại, tiên tiến từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Về mục tiêu, đến năm 2030, Tây Ninh phấn đấu trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống. Tầm nhìn đến năm 2050, Tây Ninh trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao; thương mại, du lịch phát triển và là cửa ngõ thương mại quốc tế của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Là tỉnh có hệ thống quản trị công hiệu quả, môi trường kinh doanh thân thiện, môi trường sống hấp dẫn dựa trên một hệ sinh thái bền vững và đa dạng.
Để thực hiện được mục tiêu này, Quy hoạch tỉnh xác định 7 đột phá phát triển của tỉnh gồm: phát triển hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; thể chế; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển bền vững: Tây Ninh xanh; phát triển du lịch; phát triển kinh tế dịch vụ.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn, với tư cách là một trong những doanh nghiệp có nhiều dự án lớn tại Tây Ninh cho rằng, Tây Ninh đã hội đủ 3 điều kiện "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" và hoàn toàn đủ khả năng hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 là trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống. Trong đó, nông nghiệp phát triển theo hướng chuỗi giá trị, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường, nâng cao hiệu suất và lợi nhuận thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Ông Hùng cho biết, Tập đoàn Hùng Nhơn luôn xem Tây Ninh là địa phương ưu tiên trọng điểm trong chiến lược phát triển của tập đoàn. Vào ngày 2/6/2023, trong khuôn khổ "Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023", UBND tỉnh Tây Ninh, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) về việc khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng tại huyện Tân Châu.
"Để thể hiện quyết tâm và sự chuyên nghiệp của mình, giai đoạn 1 của dự án được chúng tôi động thổ chỉ sau 1 tháng ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Tây Ninh. Đến nay, sau hơn 10 tháng thi công và hoàn thiện, ngày 19/5 tới đây chúng tôi tự hào tổ chức lễ khánh thành "Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh". Song song với lễ khánh thành này, chúng tôi còn tổ chức lễ khởi công đồng loạt 7 dự án trọng điểm thuộc chuỗi tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh bao gồm các hệ thống trang trại con giống, trang trại gà thịt xuất khẩu và nhà máy chế biến thực phẩm. Không dừng lại ở đó, buổi lễ ngày 19/5 còn là lễ công nhận vùng an toàn dịch bệnh tại tỉnh Tây Ninh và công bố kế hoạch xuất khẩu gia cầm sang thị trường Halal", ông Hùng cho biết.
Với quyết tâm rất cao khi thực hiện các dự án ở tỉnh Tây Ninh, theo ông Hùng, Hùng Nhơn luôn khẳng định sự cam kết và đóng góp của mình trong sự phát triển thịnh vượng chung của địa phương, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững của Tây Ninh theo Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, hướng đi của Hùng Nhơn trong việc xây dựng chuỗi liên kết giá trị cao, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp hoàn toàn phù hợp với Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ.
Xác định sứ mệnh xây dựng nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị, Hùng Nhơn đã cùng với Tập đoàn De Heus xây dựng chuỗi giá trị khép kín "từ nông trại tới bàn ăn" bao gồm sản xuất thức ăn chăn nuôi và dinh dưỡng động vật, xây dựng chuồng trại và trang thiết bị, chăn nuôi gia súc gia cầm, giết mổ và chế biến thực phẩm, thuốc thú y và vaccine, phân bón hữu cơ và các giải pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi theo hướng bền vững.
Theo ông Hùng, tất cả các dự án mà Hùng Nhơn đã và đang triển khai tại Tây Nguyên hay Tây Ninh đều áp dụng 100% công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế của Hà Lan, Đức và Bỉ. Bên cạnh đó, dự án áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam và các tổ chức quốc tế chuyên ngành.
"Chuỗi giá trị mà chúng tôi xây dựng ước tính sẽ có giá trị doanh thu sẽ đạt hàng tỷ USD vào năm 2030", ông Hùng khẳng định.
Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh là dự án kỷ lục về thời gian mà Hùng Nhơn đã triển khai cho đến thời điểm hiện nay. Tổng mức đầu tư dự kiến cho chuỗi 8 dự án nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh giai đoạn 1 và 2 là 2.500 tỷ đồng, đưa Tây Ninh là địa phương dẫn đầu trong cơ cấu đầu tư của Hùng Nhơn.
Cùng với các dự án DNH tại Tây Nguyên, sau khi vận hành toàn bộ dự án tại Tây Ninh, đến năm 2030, liên doanh DHN giữa De Heus và Hùng Nhơn sẽ đạt công suất khoảng 10.000 heo giống tại khu vực Tây Nguyên; 200.000 heo nái thương phẩm tại khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; 58 triệu con gà giống và 25 triệu con gà thịt tại Tây Ninh.
Minh Thi