Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ. |
Tối 3/10, tại khuôn viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (thành phố Cao Bằng), tỉnh Cao Bằng long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 520 năm thành lập tỉnh (1499 - 2019), 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Tham dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng: Hoàng Bình Quân, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước; Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã đạt được trong những năm qua, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam, Cao Bằng có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa rất đáng trân trọng và tự hào. Với lịch sử 520 năm thành lập và phát triển, trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập, Cao Bằng vẫn luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là một địa phương có vị trí chiến lược trọng yếu, là “phên giậu” vững chắc nơi biên cương phía bắc của Tổ quốc ta. Lịch sử Cao Bằng rực sáng với truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm và nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.
Trên chặng đường lịch sử vẻ vang, Cao Bằng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đánh giá là một địa bàn chiến lược quan trọng, nơi “sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta”. Người đã quyết định chọn Cao Bằng để về nước và xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên. Nhân dân Cao Bằng rất tự hào được thay mặt cho cả nước đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước lãnh đạo Cách mạng Việt Nam sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.
Hiện nay, Cao Bằng đã và đang tạo đà vươn lên mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh. Trong giai đoạn từ 2011 - 2019, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc trên các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế liên tục đạt trên 7%/năm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế được đẩy mạnh. Nhiều dự án lớn đã và đang được hình thành, triển khai, khi đi vào vận hành sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế như dự án đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), Công viên địa chất non nước Cao Bằng...
Tỉnh đã thu hút và huy động được nhiều nguồn lực, các doanh nghiệp và nhiều nhà đầu tư chiến lược với các dự án lớn để phát triển du lịch, dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển nông - lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển kinh tế biên mậu… (đã thu hút được 275 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng). Từ đó, diện mạo đô thị, nông thôn, miền núi có nhiều đổi mới; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng không ngừng được cải thiện; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; khối đại đoàn kết các dân tộc không ngừng được củng cố và phát huy; tình hình chính trị luôn ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững và tăng cường, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Phó Thủ tướng Thường trực trao Huân chương Độc lập hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng nhân dân và cán bộ tỉnh Cao Bằng. |
Bên cạnh những thuận lợi, Phó Thủ tướng Thường trực cũng cơ bản chỉ ra những khó khăn, thách thức mà tỉnh Cao Bằng phải từng bước nỗ lực vượt khó vươn lên. Quy mô kinh tế nhỏ, điều kiện kết nối giao thông với các trung tâm phát triển vùng còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô, năng lực sản xuất lớn; lĩnh vực dịch vụ, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động còn thấp; đồng thời cũng là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 94%, thuộc diện cao nhất của cả nước…
Cơ bản thống nhất với các mục tiêu và giải pháp mà tỉnh Cao Bằng đã xác định, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị tỉnh cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm:
Tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách và nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh 2015-2020; phấn đấu thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra. Thực hiện tốt Di chúc của Chủ Tịch Hồ Chí Minh và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Trong đó, tỉnh cần quán triệt và thực hiện nghiêm nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ, chính quyền trong sạch, vững mạnh gắn với đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong học tập và làm theo Bác trong toàn xã hội; chú trọng phát huy tinh thần nêu gương của các lãnh đạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Cao Bằng cần tiếp tục thực hiện tập trung vào ba đột phá chiến lược, quyết tâm tháo gỡ các “điểm nghẽn” phát triển về kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch - dịch vụ; hạ tầng cửa khẩu; chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng rà soát, sửa đổi cơ chế, quy trình, tăng cường sự phối hợp giữa các ban, sở, ngành với các địa phương trong tỉnh và giữa tỉnh với các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; tập trung làm tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới; chú trọng chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với đào tạo nghề và chuyển đổi nghề để cung cấp lao động có trình độ và tay nghề phù hợp.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thăm, tặng quà bà Hoàng Thị Lập, cán bộ lão thành cách mạng ở tổ 30 phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng. |
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị tỉnh tập trung đột phá phát triển 3 thế mạnh của Cao Bằng, đó là du lịch - dịch vụ, nông - lâm nghiệp công nghệ cao, kinh tế cửa khẩu để phát triển kinh tế mà tỉnh đã xác định. Huy động hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông và nông nghiệp xanh, bền vững, trong đó có dự án đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), các dự án đầu tư hạ tầng về du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế cửa khẩu; phát triển du lịch bền vững, trong đó chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan du lịch, đặc biệt chú trọng những giải pháp đột phá đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản có trình độ kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao, phát triển thương mại biên giới, phát triển dịch vụ hậu cần cho hàng hóa xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển trồng rừng kinh tế, cây dược liệu và trồng cây ăn quả; phát triển trồng rừng gỗ lớn; phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn.
Đồng thời, chú trọng hơn nữa các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, môi trường, bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế. Phát huy tốt truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng và tố chất con người Cao Bằng với những phẩm chất quý báu là yêu nước, cách mạng, đoàn kết, sáng tạo, tự lực, tự cường, cần cù vượt khó, hiếu học, thông minh tạo nên sức mạnh to lớn, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương. Đây là nguồn động lực rất quan trọng để tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Tỉnh cần đặc biệt quan tâm chăm lo sự nghiệp giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, bảo tồn và phát huy các di sản, giá trị, bản sắc văn hóa, lịch sử các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Thực hiện tốt các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng giảm nghèo nhanh, bền vững, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
Tỉnh Cao Bằng tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 520 năm thành lập tỉnh, 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. |
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Làm tốt công tác cán bộ; tập trung rà soát, hoàn thiện tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng hoạt động, phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền cơ sở thực hiện tốt bài học “lấy dân làm gốc”, gần dân, sát dân hơn, làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng kiến nghị của nhân dân để có biện pháp giải quyết kịp thời, hiệu quả. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với một địa phương biên giới quan trọng như Cao Bằng. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm và đặc quyền đặc lợi, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ.
Tập trung làm tốt nhiệm vụ củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh. Gắn kết chặt chẽ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Nắm chắc tình hình trong tỉnh, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và triệt phá các hoạt động tội phạm, đặc biệt là ma túy, buôn bán người, hình sự nghiêm trọng, tội phạm xuyên biên giới và buôn lậu, gian lận thương mại. Chú trọng bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân. Quản lý tốt hoạt động tôn giáo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh, giữ vững niềm tin trong nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tạo đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng nhân dân và cán bộ tỉnh Cao Bằng.
Lê Sơn