Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cổng TTĐT Quảng Ninh đưa tin, chiều 15/2, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long đã chủ trì cuộc họp bàn các biện pháp cấp bách để phòng, chống cháy nổ và các nguy cơ khác trên các tàu du lịch.
Hiện trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long có 494 tàu (404 tàu vỏ gỗ, 90 tàu vỏ thép) đang hoạt động. Trong đó có 178 tàu lưu trú ngủ đêm, 316 tàu tham quan. Trong đó, các tàu du lịch vận chuyển khách trên Vịnh, nhất là đối với tàu du lịch vỏ gỗ có nguy cơ cháy nổ cao. Trên những tàu này lắp đặt nhiều vật liệu và đồ dùng dễ cháy nổ như gỗ, nhựa, mút, rèm mành, xăng dầu, khí gas… Đa số tàu gỗ đã được đóng từ lâu, một số tàu đã được hoán cải, hệ thống điện đã xuống cấp, dây dẫn lão hóa nhưng do được lắp đặt trong lớp vách gỗ hoặc nhựa nên việc kiểm tra, bảo dưỡng thay thế là rất khó,... Còn số tàu vỏ thép đều là những tàu đóng mới nên hệ thống, trang thiết bị PCCC đều đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, trên Vịnh Hạ Long xảy ra 7 vụ cháy tàu du lịch. Tuy các vụ cháy không chết người nhưng đã có 3 người bị thương nhẹ và thiệt hại lớn về tài sản, lên tới gần 38 tỷ đồng. Đặc biệt, từ đầu năm 2017 đến nay, đã xảy ra 2 vụ cháy tàu và các tàu bị cháy đều là tàu vỏ gỗ.
Sau khi nghe các đại biểu phân tích, chỉ rõ nguyên nhân gây cháy, đề xuất các biện pháp xử lý, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long khẳng định: Để giữ vững thương hiệu du lịch Hạ Long thì phải đảm bảo an toàn vận chuyển cho khách tham quan và lưu trú trên vịnh. Tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp mạnh mà cụ thể là ban hành các quy định với tiêu chuẩn cao hơn quy định chung của Nhà nước về đảm bảo an toàn đối với các phương tiện thuỷ nội địa, được nhiều doanh nghiệp ủng hộ, nhận được sự hài lòng cao của du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, qua các vụ cháy tàu vừa qua cho thấy, nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ cao đối với các phương tiện tàu vỏ gỗ được đóng từ năm 2005 trở về trước. Qua điều tra 7 vụ cháy tàu, nguyên nhân được xác định chủ yếu là do chập điện, vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng và Thành phố Hạ Long triển khai ngay các giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách, giữ vững thương hiệu du lịch Hạ Long.
Xuất phát từ thực tiễn, Thành phố Hạ Long rà soát lại tất cả các phương tiện lưu trú trên Vịnh, đặc biệt là các tàu vỏ gỗ, phối hợp với Cảnh sát PCCC yêu cầu các chủ tàu áp dụng các tiêu chuẩn về PCCC theo quy định của tỉnh (cao hơn quy định Nhà nước).
Cụ thể, đối với các tàu vỏ gỗ, yêu cầu chủ tàu bổ sung toàn bộ hệ thống điện nổi thay thế hệ thống điện ngầm, bỏ xốp giữa các phòng, bổ sung hệ thống chữa cháy CO2 để xử lý khi xuất phát lửa từ buồng máy… Đồng thời, bổ sung các bơm dự phòng, nguồn điện dự phòng để PCCC và cứu đắm tại chỗ. Việc bổ sung các trang thiết bị phải thực hiện xong trong tháng 3/2017. Thành phố Hạ Long và các cơ quan phối hợp chặt chẽ, kiên quyết dừng hoạt động đối với các tàu không đảm bảo an toàn…
Đối với các tàu được đóng mới theo kế hoạch của tỉnh, phải đảm bảo yêu cầu cao về PCCC, trong đó, ưu tiên báo cháy tự động, hệ thống cáp điện phải đáp ứng tiêu chuẩn hàng hải và cơ quan đăng kiểm đưa những quy định này cho các tàu du lịch mong muốn được hoạt động trên Vịnh.
Với định hướng tiến tới chấm dứt hoạt động lưu trú trên Vịnh Hạ Long của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cũng kêu gọi chủ tàu và đội ngũ thuyền viên hợp tác với tỉnh vì mục tiêu chung là an toàn tuyệt đối cho du khách đến tham quan, lưu trú trên Vịnh, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách bởi xây dựng được niềm tin với du khách cũng là lợi ích cho các doanh nghiệp./.