Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 17/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo công bố tại Hội nghị, Chỉ số CCHC tỉnh Thái Nguyên đã vươn lên xếp vị trí thứ 6/63 tỉnh, thành phố, đạt 90,76%, tăng 3 bậc và tăng 3,4% so với năm 2022; xếp thứ 2 khu vực các tỉnh trung du miền núi phía bắc (sau tỉnh Bắc Giang). Đây là năm tỉnh Thái Nguyên đã đạt được mục tiêu đề ra theo Chương trình CCHC giai đoạn 2021-2025 (mức độ hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính đạt từ 90% trở lên.
Đối với Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố (sau tỉnh Quảng Ninh), đạt 90,29%, tăng 4,03% so với năm 2022 (đạt 86,26%).
Kết quả xếp hạng Chỉ số SIPAS năm 2022 tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố; chỉ số PAR INDEX năm 2022 tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố.
Kết quả năm 2023 được công bố tại hội nghị ngày hôm nay, cùng với kết quả đánh giá chỉ số Hiệu quả Quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023, tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố đã được công bố ngày 2/4/2024 là những kết quả đáng ghi nhận từ sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự nỗ lực phấn đấu của cộng đồng các doanh nghiệp và người dân tỉnh Thái Nguyên.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình, để đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện nhiệm vụ nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã luôn bám sát phương châm hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đó là: "Đoàn kết kỷ cuơng, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng rõ trách nhiệm, phân cấp, sâu sát cơ sở; kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và những vấn đề mới phát sinh trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương ngay từ cơ sở.
Trên cơ sở kết quả hằng năm của các Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI... và kết quả đo lường mức độ hài lòng về sự phục vụ hành chính của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện (DDCI), các cơ quan, đơn vị phải tiến hành phân tích, đánh giá những mặt đạt được, những mặt yếu kém, hạn chế, kết quả còn thấp để xây dựng các giải pháp điều chỉnh, khắc phục nhằm phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp.
Cùng với việc mở rộng các kênh cung cấp thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách pháp luật, nhất là các nội dung Luật Thực hiện dân chủ cơ sở, cần phát huy sự tham gia của người dân thông qua cơ quan Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể như Hội cựu chiến binh, Hội chữ thập đỏ, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên... vào quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách.
Việc xin ý kiến góp ý của người dân trước khi triển khai các chủ trương, chính sách phải được thực hiện đầy đủ, đúng quy định, dưới nhiều hình thức, qua đó, nâng cao tỉ lệ người dân nắm được thông tin chính sách pháp luật và tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp với việc triển khai, thực thi các chính sách của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử, thực hiện giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả và tích cực đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đề xuất cấp có thẩm quyền tăng cường phân cấp trong giải quyết TTHC tạo điều kiện thuận lợi để cá nhân, tổ chức không phải đi lại nhiều lần; thực hiện nghiêm việc đưa các TTHC thuộc thẩm quyền cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn triển khai tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa các cấp… qua đó nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi giải quyết các TTHC.
Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 về Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời, đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) để đưa chuyển đổi số vào công tác quản lý hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tăng cường công tác kiểm tra CCHC, kiểm tra công vụ, công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là kiểm tra đột xuất để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế từ cấp xã đến cấp tỉnh; tăng cường trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu và từng cán bộ, công chức, viên chức các cấp trên địa bàn tỉnh trong giải quyết công việc phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Năm 2023, công tác CCHC của tỉnh Thái Nguyên tiếp tục được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; các đơn vị, địa phương tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ Chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch CCHC năm 2023.
Tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành 100% nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, không có nhiệm vụ quá hạn; hoàn thành 100% nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch CCHC năm 2023 (22/22 nhiệm vụ); Thái Nguyên được đánh giá là một trong 4 địa phương dẫn đầu về thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử, với tổng điểm đạt 85,55 điểm (đạt mức tốt). Tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị được sắp xếp đúng quy định và phù hợp về chức năng, nhiệm vụ; thực hiện chính sách tinh giản biên chế đảm bảo tỉ lệ theo kế hoạch giao.
Đến thời điểm hiện tại, tổng số TTHC đang có hiệu lực là 1.863 TTHC (trong đó cấp tỉnh là 1.464 TTHC, cấp huyện là 270 TTHC, cấp xã là 129 TTHC); tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 99,71%.
Minh Anh