Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Định được lãnh đạo bệnh viện có quyết định cho phép thực hiện chỉ định siêu âm trong lòng mạch. Tuy nhiên, khi cơ quan BHXH đến kiểm tra thì yêu cầu xuất toán chỉ định và thủ thuật do ông Định chỉ định và thực hiện với lý do không đáp ứng yêu cầu theo Thông tư số 35/2016/TT-BYT, Thông tư yêu cầu người thực hiện phải có chứng chỉ.
Ông Định hỏi, cơ sở đào tạo cấp giấy chứng nhận tham gia cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong khám bệnh, chữa bệnh theo mẫu Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 32/2023/TT-BYT là đúng hay sai? Cơ quan BHXH thực hiện như vậy đã đúng các quy định chưa? Mẫu chứng chỉ kỹ thuật chuyên môn được ban hành theo văn bản pháp luật nào?
Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời như sau:
Theo Khoản 1 Điều 22 Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 thì: "1. Người hành nghề thuộc một trong các chức danh bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng có trách nhiệm cập nhật kiến thức y khoa liên tục phù hợp với phạm vi hành nghề".
Tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 32/2023/TT-BYT ngày 31/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định: "1. Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có nghĩa vụ tham gia cập nhật kiến thức y khoa liên tục tối thiểu 120 giờ tín chỉ trong 5 năm liên tục (1 giờ tín chỉ đối với các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn tương đương với 1 tiết học)".
Tại Điểm i Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 32/2023/TT-BYT quy định: "i) Chứng nhận tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn: Người hành nghề sau khi hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn được cấp giấy chứng nhận theo Phụ lục số II ban hành kèm theo Thông tư này".
Như vậy, người hành nghề sau khi hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn được cấp giấy chứng nhận tham gia cập nhật kiến thức y khoa liên tục để thực hiện trách nhiệm cập nhật kiến thức y khoa liên tục phù hợp với phạm vi hành nghề theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (thời gian cập nhật kiến thức y khoa liên tục theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế: Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có nghĩa vụ tham gia cập nhật kiến thức y khoa liên tục tối thiểu 120 giờ tín chỉ trong 5 năm liên tục).
Theo Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh: "3. Trường hợp người hành nghề tham gia các khóa đào tạo và được cấp chứng chỉ đào tạo kỹ thuật chuyên môn theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định này, chưa có trong phạm vi hành nghề đã được cấp thì không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh phạm vi hành nghề mà căn cứ chứng nhận đào tạo kỹ thuật chuyên môn theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định này và năng lực thực hiện kỹ thuật chuyên môn của người hành nghề, người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định việc cho phép người hành nghề thực hiện kỹ thuật đã được đào tạo bằng văn bản".
Tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP quy định:
"2. Yêu cầu đối với chứng chỉ đào tạo kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh:
a) Được cấp bởi cơ sở giáo dục có tối thiểu 1 khóa đào tạo cấp văn bằng theo ngành, trình độ đã tốt nghiệp để cấp giấy phép hành nghề khám bệnh chữa bệnh với chức danh tương ứng hoặc là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp có thẩm quyền cho phép triển khai thực hiện các kỹ thuật chuyên môn tương ứng với thời gian tối thiểu 6 tháng;
b) Chương trình và tài liệu đào tạo chứng chỉ kỹ thuật chuyên môn do cơ sở đào tạo xây dựng, thẩm định và ban hành hoặc sử dụng của cơ sở đào tạo khác khi được cơ sở đó đồng ý bằng văn bản; nội dung chương trình, khối lượng học tập, giảng viên phù hợp với danh mục kỹ thuật chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế".
Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ đã phân cấp triệt để cho đơn vị, tổ chức và các cơ sở đào tạo đáp ứng Khoản 2 Điều 12 của Nghị định số 96/2023/NĐ-CP để tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh.
Do vậy, Thủ trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm về xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình và tài liệu đào tạo, bảo đảm các điều kiện về chất lượng đào tạo (đội ngũ giảng viên, cơ sở thực hành, cơ sở vật chất và trang thiết bị…), cấp chứng chỉ kỹ thuật chuyên môn cho người học sau khi hoàn thành khóa học, trong đó đối tượng đào tạo, nội dung chương trình, khối lượng học tập, chuẩn đầu ra phải đáp ứng yêu cầu về phạm vi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.
Chinhphu.vn