Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là một trong những dự án luật quan trọng trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.
Nội dung trọng tâm trong việc sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này là việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân.
Đây là lần đầu tiên, Việt Nam quy định về việc chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân, xuất phát từ tình hình vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện ngày càng phức tạp và nghiêm trọng, đặc biệt là các hành vi gây ô nhiễm môi trường, buôn lậu, trốn thuế, sản xuất hàng giả, hàng cấm, trốn đóng bảo hiểm xã hội… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống an lành của người dân, gây mất trật tự, an toàn xã hội.
Trong khi đó, việc xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi này theo quy định của pháp luật hiện hành chưa đủ sức răn đe.
Việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân cũng phù hợp xu thế chung trên thế giới, đồng thời tạo lập hành lang, cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các Công ước quốc tế về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, rửa tiền, tham nhũng mà Việt Nam đã tham gia.
Có thể nhận thấy, việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là cần thiết. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới cả về khoa học pháp lý lẫn kỹ thuật lập pháp, làm thay đổi một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự Việt Nam đó là “chỉ có cá nhân mới phải chịu trách nhiệm hình sự”, thay đổi chủ thể trong quan hệ pháp luật hình sự nên cần phải hết sức thận trọng trong vấn đề xây dựng quy phạm pháp luật.
Các loại tội pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự
Pháp nhân là chủ thể đặc biệt trong quan hệ pháp luật hình sự nên chỉ chịu trách nhiệm hình sự về một số loại tội đặc thù.
Học tập kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) của Việt Nam quy định cụ thể các loại tội phạm mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã quy định 32 loại tội phạm, có tính bao quát đủ để xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng của pháp nhân gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, môi trường, tính mạng, sức khỏe của công dân.
Xác định hành vi và lỗi của pháp nhân thế nào?
Xác định hành vi và lỗi khi truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân là vấn đề cơ sở lý luận khi quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân.
Trong danh sách 32 tội mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) thì phần lớn các tội phải được thực hiện với lỗi cố ý. Vậy, việc xác định hành vi và lỗi của pháp nhân sẽ như thế nào?
Các pháp nhân đều có người đại diện theo pháp luật, là người thay mặt pháp nhân thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật.
Việc xác định trách nhiệm hình sự của pháp nhân được thực hiện thông qua việc xác định hành vi phạm tội và lỗi của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hay bao gồm cả người làm công, đại lý, đơn vị được ủy quyền?
Đồng thời cũng phải có cơ chế phân biệt việc chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân và việc cá thể hóa trách nhiệm hình sự của người đại diện theo pháp luật, người quản lý trực tiếp.
Hình phạt đối với pháp nhân chủ yếu là hình phạt tiền và tước giấy phép hoạt động. Những hình phạt này cũng là những chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với pháp nhân.
Vì vậy, việc quy định và xác định hình phạt cho pháp nhân khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự cần phải bảo đảm được nguyên tắc vừa răn đe vừa có tính khả thi đồng thời không gây chồng chéo với quy định xử lý vi phạm hành chính.
Luật sư Hà Thị Thanh
Liên đoàn Luật sư Việt Nam