Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Một góc thành phố Long Xuyên - Ảnh báo An Giang |
Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh An Giang có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định.
Từ năm 2011 đến nay, UBND tỉnh và thành phố Long Xuyên tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, địa phương; thực hiện lồng ghép với nguồn vốn các chương trình, dự án; vốn vay tín dụng, doanh nghiệp, nguồn huy động khác và nhân dân đóng góp. Công tác phân bổ nguồn lực thực hiện Chương trình cho 2 xã Mỹ Khánh và Mỹ Hòa Hưng được bố trí theo hướng ưu tiên cho các nội dung trọng điểm, như: lập đồ án quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu khu vực nông thôn, hỗ trợ phát triển sản xuất, cung cấp nước sạch đảm bảo vệ sinh môi trường. Theo đó, tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng nông thôn mới của thành phố Long Xuyên đạt trên 518 tỷ đồng (các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp trên 121 tỷ đồng).
Qua 8 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn Long Xuyên có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao. Cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư, nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại, phục vụ hiệu quả yêu cầu về sản xuất, sinh hoạt của người dân. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 trên 44 triệu đồng/người/năm (tăng gần 30 triệu so với năm 2010, khi chưa xây dựng nông thôn mới). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn chỉ còn 1,31%.
Đặc biệt là cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội đạt chuẩn; các tuyến giao thông, trường học, trạm y tế, chợ, hệ thống công trình hạ tầng thủy lợi được đầu tư, nâng cấp; 100% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia; 97,84% hộ dân sử dụng nước sạch do nhà máy cung cấp… Việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn thành phố theo hướng nông nghiệp đô thị, trên cơ sở phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, duy trì và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ các mặt hàng thế mạnh của địa phương… bước đầu mang lại hiệu quả.
Minh Hiển