Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo đó, trong kết luận này, Sở GTVT TPHCM cho biết nhà xe Thành Bưởi không vào bến để đón, trả khách mà thực hiện việc này tại văn phòng công ty. Ngoài ra, một số xe chạy hợp đồng không có hợp đồng vận chuyển.
Cụ thể, về hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách theo loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô, Sở GTVT cho biết hợp đồng vận chuyển hành khách, du lịch lữ hành của Công ty không đảm bảo đầy đủ nội dung tối thiểu được quy định tại Điều 15 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP. Danh sách hành khách kèm theo hợp đồng của Công ty không đảm bảo đầy đủ nội dung theo quy định tại Phụ lục 13 Thông tư số 12/2020/TT- BGTVT.
Công ty tổ chức đón trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hằng ngày tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, vi phạm quy định điểm c khoản 3 Điều 7 và điểm c khoản 3 Điều 8 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.
Một số trường hợp kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch mà không có hợp đồng vận chuyển (đối với các xe 29 chỗ vận chuyển hành khách đi từ địa điểm số 266-272 và số 258 Lê Hồng Phong, Phường 4, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh), vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 7, khoản 2 Điều 8 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.
Người của Công ty ký kết các hợp đồng vận chuyển hành khách du lịch lữ hành bằng xe ô tô từ tỉnh Lâm Đồng đi Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng chưa được người đại diện pháp nhân của Công ty ủy quyền ký hợp đồng là không đúng quy định.
Hành trình vận chuyển, thời gian, các điểm đón, trả khách của một số phương tiện không trùng khớp giữa hợp đồng vận chuyển và dữ liệu thiết bị giám sát hành trình diễn ra một số ngày trong tháng 01 năm 2023 và trong tháng 04 năm 2023.
Như Báo điện tử Chính phủ đã thông tin, việc xe không vào bến sẽ giúp nhà xe "lách luật", "trốn" được một khoản rất lớn tiền phí dịch vụ ra vào bến xe.
Nếu vào bến, các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định còn phải chịu tiền hoa hồng bán vé, thuế thu nhập doanh nghiệp. Do các xe hoạt động tuyến vận tải cố định phải vào bến đi bến đến, đóng sổ nhật trình, nên tổng số lượt chuyến xe đi/đến đều được thống kê và nộp thuế đầy đủ.
Ví dụ, tuyến TPHCM-Đà Lạt, nếu bán hết vé thì doanh thu trên chuyến của doanh nghiệp vào khoảng 9 triệu đồng. Số tiền này sẽ được doanh nghiệp báo cáo đầy đủ và đóng 20% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Còn đối với các "xe dù", họ sẽ kê khai giảm doanh thu bằng cách làm giả hợp đồng với khách hàng. Doanh thu thực tế có thể là 9 triệu, nhưng hợp đồng vận chuyển chỉ ghi là 2 triệu. Như vậy doanh nghiệp chỉ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp trên số tiền 2 triệu đồng.
Ngoài ra, trong kết luận thanh tra của Sở GTVT, nhà xe Thành Bưởi còn vi phạm về phương tiện và quản lý phương tiện khi Công ty không trích xuất được dữ liệu tổng hợp về hồ sơ lý lịch phương tiện theo mẫu phụ lục 1 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT từ phần mềm quản lý phương tiện nội bộ của Công ty.
Công ty không cập nhật đầy đủ quá trình hoạt động của phương tiện vào lý lịch phương tiện (số chuyến trong tháng, số chuyến xe lũy kế) trên phần mềm nội bộ quản lý phương tiện của Công ty.
Về kiểm tra dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, qua thanh tra cho thấy có nhiều trường hợp lái xe vi phạm thời gian lái xe liên tục (quá 4 giờ) và vi phạm thời gian lái xe làm việc trong ngày (quá 10 giờ) theo quy định khoản 1 Điều 65 Luật Giao thông đường bộ.
Về quy trình đảm bảo an toàn giao thông và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông, công ty này không thực hiện đúng Quy trình đảm bảo an toàn giao thông của Công ty xây dựng theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT.
Trên đây là một số nội dung trong thông cáo báo chí của Sở GTVT TPHCM gửi các cơ quan báo chí. Dư luận đặt nhiều câu hỏi xung quanh trách nhiệm quản lý của Sở khi để nhà xe Thành Bưởi có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong thời gian dài; có các thủ đoạn tinh vi để "lách luật", coi thường pháp luật.
Vũ Phong